• Zalo

Bắt 'nữ quái' lừa bán khẩu trang y tế trên facebook, chiếm đoạt gần 200 triệu đồng

Bản tin 113Thứ Bảy, 22/02/2020 13:46:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Thấy Na rao bán khẩu trang y tế giá rẻ nên nhiều người đặt mua, tuy nhiên sau khi chuyển tiền đặt cọc thì khách hàng không gọi được cho người này, tài khoản facebook cũng bị chặn.

Ngày 22/2, theo tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đơn vị vừa bắt giữ Lê Thị Lan Na (SN 2001, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được biết, ngày 31/1, chị Nguyễn Thị H. (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về công tác tại huyện Nghi Lộc. Trong lúc lên mạng xã hội, chị H. thấy một phụ nữ đăng tin bán khẩu trang y tế với giá rẻ hơn giá thị trường nên đặt mua 5 thùng để mang về gia đình sử dụng và làm từ thiện.

Bắt 'nữ quái' lừa bán khẩu trang y tế trên facebook, chiếm đoạt gần 200 triệu đồng - 1

 Lê Thị Lan Na bị công an bắt giữ vì lừa bán khẩu trang y tế trên mạng.

Sau khi đồng ý giá cả thì người bán yêu cầu chị H. đặt cọc số tiền 4,6 triệu đồng. Chị H. đồng ý và chuyển số tiền cọc trên vào tài khoản theo yêu cầu của người phụ nữ bán khẩu trang.

Sau khi chuyển tiền xong, chị H. liên lạc lại thì người bán hàng tắt máy, khóa facebook, không chuyển số khẩu trang theo yêu cầu.

Sau nhiều ngày không liên lạc được, chị Nguyễn Thị H. trình báo lên công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) để nhờ truy tìm kẻ lừa đảo.

Công an huyện Nghi Lộc nhanh chóng điều tra, xác định được kẻ lừa đảo là Lê Thị Lan Na (SN 2001, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) và thực hiện việc bắt giữ. Tang vật thu giữ là 2 thẻ ngân hàng ATM, 2 điện thoại di động và hơn 10 triệu đồng tiền mặt.

Video: Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Tại cơ quan công an, Lê Thị Lan Na khai nhận, sử dụng 3 tài khoản facebook giả mạo để bán hàng online gồm giày dép, quần áo, túi xách và gần đây là khẩu trang y tế giá rẻ vì mặt hàng này “sốt” do dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát.

Khi có khách đặt mua hàng, Na yêu cầu khách hàng chuyển tiền cọc vào nhiều tài khoản khác nhau. Người đặt cọc ít nhất là 300 nghìn đồng, người đặt cọc nhiều nhất 7 triệu đồng.

Sau khi khách chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản của Na thì Na xóa tin nhắn của mình đã dùng để lừa đảo, chặn tài khoản của bị hại.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 2/2019 đến nay, Na cùng các đồng phạm thực hiện trót lọt trên 150 vụ lừa đảo khắp cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.

Hiện Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

TRẦN LỘC
Bình luận
vtcnews.vn