Cùng là vàng 9999, nhưng mỗi thương hiệu lại báo giá khác hẳn nhau, chênh lệch cả triệu đồng một lượng sau khi Ngân hàng Nhà nước trình dự thảo mới về quản lý thị trường vàng lên Chính phủ.
Những ngày gần đây, người dân lẫn nhà đầu tư không khỏi băn khoăn khi thấy giá vàng trên thị trường mỗi nơi một khác. Sáng nay, vàng SJC của Tập đoàn DOJI được doanh nghiệp mua vào bán ra ở 45,82 - 46,02 triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty Vàng Agribank báo giá bán ra vàng AAA chỉ ở 45,05 triệu đồng, rẻ hơn gần một triệu đồng so với niêm yết bán vàng SJC của Tập đoàn DOJI. Thậm chí giá thu mua vàng AAA còn thấp hơn nữa, chỉ ở 44,55 triệu đồng, rẻ hơn SJC gần 1,3 triệu đồng mỗi lượng. Trước đó, vàng miếng của các thương hiệu có mức chênh lệch nhau không đáng kể.
Không rẻ như AAA, nhưng thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long của doanh nghiệp Bảo Tín Minh Châu cũng duy trì mức niêm yết thấp từ hơn tuần nay.
Nếu như hôm 11/11, vàng của Bảo Tín Minh Châu chỉ rẻ hơn vàng SJC từ 500.000 đến 800.000 đồng, thì nay khoảng cách này nới rộng lên cả triệu đồng. Vào 9h30 sáng nay, doanh nghiệp này báo giá mua vào bán ra lần lượt ở 44,85 - 45,10 triệu đồng mỗi lượng.
Cô Sâm (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ lo lắng vì đang cất 3 lượng vàng Bảo Tín Minh Châu. "Từ lâu tôi có thói quen mua vàng miếng hay nữ trang cũng đều ra Bảo Tín Minh Châu. Nhưng từ khi có tin trong tương lai sẽ chỉ còn vàng miếng SJC, tôi như ngồi trên đống lửa, mong giá thế giới tăng để còn đi bán".
Còn Tổng giám đốc Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu, ông Vũ Minh Châu giải thích, sau thông tin về dự thảo quản lý vàng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, nhiều người đang nắm giữ vàng Rồng Thăng Long sợ rằng trong tương lai, sẽ chỉ còn vàng SJC được tồn tại. Do đó, họ đã ùn ùn đến Bảo Tín Minh Châu để bán vàng.
"Lượng người đến mua vàng rất ít, trong khi khách bán thì tăng đột ngột, tăng gấp 2, gấp 3 lần so với thông thường. Điều này đã tác động mạnh đến giá vàng", ông Vũ Minh Châu cho biết.
Tại TP HCM, người dân nắm vàng không phải của SJC như PNJ, SBJ... có phần bớt nhạy cảm hơn. Chị Thanh Tâm, nhà Quận Binh Tân, TP HCM hiện đang nắm khoảng 5 cây vàng của PNJ cho biết, chị có nghe thông tin về dự thảo vàng. Tuy nhiên, chị cho rằng, đây chỉ là dự thảo nên chưa mấy lo lắng. "Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp sẽ có cách giải quyết cho những người nắm giữ vàng không phải SJC như chúng tôi", chị nói.
Trên thực tế, giá vàng sáng nay của PNJ cũng chỉ thấp hơn SJC khoảng trên dưới 100.000 đồng. Theo đại diện Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, hiện tại đơn vị này vẫn sản xuất và bán sản phẩm vàng miếng PNJ bình thường. Đồng thời, đại diện này khẳng định không có hiện tượng người dân đổ xô đem bán vàng miếng thương hiệu này.
“Đây mới chỉ là dự thảo, người dân không nên quá hoang mang. Nếu sau này vàng miếng PNJ không được sản xuất nữa, công ty vẫn sẽ mua lại theo đúng giá thị trường”, đại diện PNJ nói.
Nhìn nhận thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, nạn nhân trực tiếp của tình trạng giá bát nháo như hiện nay trước hết chính là khách hàng, những người đang nắm giữ các loại vàng miếng không phải SJC. Đáng lẽ ở thời điểm này, họ có thể bán vàng với giá 45,7 đến 45,8 triệu đồng, nhưng với nhà đầu tư vàng Vàng Rồng Thăng Long hoặc AAA, họ đã bị thiệt trên dưới một triệu đồng một lượng.
Bên cạnh đó, bản thân 7 doanh nghiệp còn lại ngoài Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Bởi vì họ đã đầu tư hàng triệu đôla để xây dựng thương hiệu, thế nhưng vàng đủ tiêu chuẩn 9999 của họ bây giờ chẳng khác nào vàng "thau".
Hiện 7 doanh nghiệp vàng này cho biết đang tồn cả trăm tấn vàng miếng. "Nếu không tiêu thụ hết số vàng này, nguy cơ chảy máu vàng ra bên ngoài lãnh thổ là điều có thể xảy ra", đại diện một doanh nghiệp cảnh báo.
Thanh Bình - Lệ Chi/VnExpess
Bình luận