Sức mạnh là kiểm soát bóng
HLV Nguyễn Hữu Thắng đã giữ đúng lời hứa kể từ khi nắm quyền thuyền trưởng của ĐT Việt Nam, đó là mang đến một diện mạo mới, một lối đá tấn công quyến rũ hơn. 13 trận đấu trôi qua dưới thời nhà cầm quân xứ Nghệ, trong đó bao gồm cả 3 trận đá tập tại Hàn Quốc, ĐT Việt Nam thắng tới 9, hòa 3 và chỉ thua đúng 1 lần.
Số pha lập công lên tới 31 bàn (trung bình 2,38% bàn/trận) với tổng cầu thủ ghi tên mình lên bảng điện tử đạt con số 14!
Bản chất cho sự thay đổi theo chiều hướng tích cực ấy là gì? Lý do ở đây nằm ở triết lý kiểm soát bóng. Nếu như trước kia ĐT Việt Nam đeo đuổi triết lý phòng ngự phản công sử dụng nhiều bóng dài, thì dưới thời HLV Hữu Thắng, Công Vinh và các đồng đội có xu hướng kiểm soát không gian và tạo ra thế trận có lợi cho bản thân mình.
Ba trận đấu ở Hàn Quốc, các cầu thủ đã cho thấy khả năng kiểm soát bóng tốt.
HLV Nguyễn Hữu Thắng
“Ba trận đấu ở Hàn Quốc, các cầu thủ đã cho thấy khả năng kiểm soát bóng tốt. Trong lối chơi tôi xây dựng nhất định phải kiểm soát được bóng thì mới có thế trận tốt, tạo ra nhiều cơ hội, mở ra cơ hội chiến thắng. Đội tuyển Việt Nam đang đi đúng hướng”, HLV Hữu Thắng hài lòng khi triết lý mà ông xây dựng được các học trò thực hiện rất tốt.
Những số liệu mà phần mềm InStat cung cấp đã cho thấy sự tiến bộ ấy. Trước những đối thủ từ mạnh như Iraq, Syria đến trung bình như Indonesia, Singapore và yếu kiểu Đài Loan (TQ), tỷ lệ kiểm soát bóng của ĐT Việt Nam luôn duy trì ở mức 53-54%. Thậm chí như ở trận chung kết AYA Bank Cup với Singapore, các học trò của HLV Hữu Thắng kiểm soát tới 66% thời lượng bóng.
Sự có mặt của bộ đôi tiền vệ Xuân Trường - Tuấn Anh mang đến cho ĐT Việt Nam khả năng kiểm soát khu vực giữa sân tốt hơn hẳn. Số đường chuyền mà đội bóng áo đỏ thực hiện luôn chạm ngưỡng trên 480 lần/trận, với tỷ lệ chính xác từ 80 - 85%.
Sự chuẩn xác trong phối hợp, luân phiên bóng đến các vị trí là căn nguyên tạo nên khả năng kiểm soát bóng tốt. Và điều đó cho thấy cách dùng người phù hợp của HLV Hữu Thắng trong những trận đấu đầu tiên.
Hàng công cũng phải tham gia phòng ngự hiệu quả!
Thế nhưng kiểm soát bóng không chỉ dừng lại ở những đường chuyền chính xác. Việc tranh chấp, chiếm được không gian và ngăn đối phương có bóng cũng là cách để áp đảo về thế trận.
Thẳng thắn một điều, dù tỷ lệ cầm bóng của Việt Nam là khá cao song số lần tranh chấp thành công (đạt tỷ lệ 40 – 42%) và tắc bóng thành công (43 – 46%) của đội bóng áo đỏ mới chỉ ở mức trung bình!
HLV Hữu Thắng bày tỏ ông rất trăn trở trong việc luân chuyển lối chơi từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại tùy vào thế trận diễn ra. Và thật sự đội tuyển Việt Nam mới chỉ làm tốt một nửa ở mặt trận tiền tuyến.
Để nhanh chóng chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự, bên cạnh tuyến giữa với Xuân Trường, Tuấn Anh, Hoàng Thịnh phải sẵn sàng tranh chấp tay đôi thì sự tham gia của những cầu thủ tấn công như Văn Toàn, Công Vinh cũng là điều khuyến khích thực hiện.
Khả năng gây sức ép (pressing) đã và đang trở thành nhiệm vụ bất thành văn với các tiền đạo. Ngay cả cây săn bàn Sergio Aguero của Man City cũng liên tục được Pep Guardiola yêu cầu tích cực phòng ngự.
Bởi chính điều ấy mới có thể giúp đội nhà nhanh chóng luân chuyển từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại khi cướp được bóng, thế trận có thể chuyển hóa nhanh từ phòng ngự sang phản công.
Nhưng với Công Vinh hay Văn Toàn, những chỉ số tắc bóng và tranh chấp thành công của họ vẫn mới chỉ dừng lại ở mức thấp và HLV Hữu Thắng vẫn còn thời gian chỉnh sửa cho họ trong giai đoạn nước rút tới đây.
LỊCH THI ĐẤU SẮP TỚI CỦA ĐT VIỆT NAM
8/11: Việt Nam – Indonesia (giao hữu, SVĐ Mỹ Đình)
12/11: Việt Nam – Avispa Fukuoka (giao hữu, SVĐ Cần Thơ)
20/11: Việt Nam – Myanmar (AFF Cup, tại Yangon, Myanmar)
23/11: Việt Nam – Malaysia (AFF Cup, tại Yangon, Myanmar)
26/11: Việt Nam – Campuchia (AFF Cup, tại Nay Pyi Taw, Myanmar)
Bình luận