Kẹo Cu Đơ là một món ăn vặt dân dã, thường được dùng kèm với trà nóng. Đây là một loại kẹo đậu phộng và thành phần chính của kẹo này gồm có đường, mật mía, mạch nha, gừng và đậu phộng, được ép trong 2 miếng bánh tráng, có rắc thêm mè đen.
Loại kẹo này có đặc điểm là dẻo và kết dính, có vị ngọt của đường, mật mía, bùi bùi của đậu phộng, dùng để ăn không hoặc thưởng thức cùng trà đều được.
Kẹo Cu Đơ độc đáo ngay từ tên gọi đến cả nguồn gốc xuất xứ của nó. Có rất nhiều giai thoại và câu chuyện về nguồn gốc của loại kẹo này. Trong đó nổi tiếng nhất là giai thoại về ông Hai, một người nông dân nghèo ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Vì không có tiền mua sính lễ hỏi vợ cho con trai cũng như làm cơm thiết đãi hàng xóm, ông bèn nảy ra ý đun sôi mật mía rồi trộn cùng với đậu phộng (lạc). Điều ông không ngờ là ai cũng khen ngon. Từ ấy, ông tiếp tục nấu mật mía với lạc để kinh doanh.
Người dân yêu thích và đặt cho món kẹo này cái tên "cu Hai". Sau này khi thực dân Pháp xâm lược, lính Pháp ăn được một loại kẹo thấy ngon nên tìm hiểu. Khi biết tên kẹo là "cu Hai", họ đổi từ "Hai" thành "Deux". Do đó, kẹo "cu Hai" biến thành kẹo "cu deux" và đọc phiên âm theo kiểu tiếng Việt là "Cu Đơ".
Để làm kẹo Cu Đơ, nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: đậu phộng; mật mía; mạch nha nếp; nước cốt gừng và gừng; bánh tráng nướng.
Đầu tiên bạn đặt một cái nồi hoặc chảo có đáy dày lên bếp bật lửa nhỏ vừa sau đó cho đậu phộng vào rang. Khi đậu phộng thơm, vỏ hơi chuyển màu hơi rám thì tắt bếp và đổ đậu ra rổ để nguội.
Gừng nhánh bạn rửa sạch, cạo vỏ rồi cắt nhuyễn gừng. Cho mật mía vào chảo lòng sâu, sau đó cho tiếp mạch nha nếp và nước cốt gừng rồi dùng thìa khuấy cho hỗn hợp tan vào nhau.
Tiếp đến bạn đặt chảo lên bếp, đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều tay. Khi mật nấu đủ độ thì cho gừng cắt nhỏ và đậu phộng rang vào, đảo đều liên tục trong 1 phút rồi tắt bếp.
Đặt bánh tráng lên đĩa, rồi múc kẹo cho vào bánh tráng. Xong bạn lấy miếng bánh tráng thứ 2 kẹp vào khi lớp mật còn nóng là hoàn thành món kẹo Cu Đơ.
Bình luận