• Zalo

Bất ngờ khi Ukraine biến tên lửa phòng không S-200 thành tên lửa đạn đạo

Quân sựThứ Năm, 20/07/2023 06:32:40 +07:00Google News
(VTC News) -

Với đầu đạn nặng 220 kg và tầm bắn lên tới 500 km khi bắn mục tiêu mặt đất, S-200 thực sự là một vũ khí khó chịu đối với hệ thống phòng không của Nga.

Theo Military Watch, ngày 16/7, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo các lực lượng phòng không đã đánh chặn hai tên lửa từ hệ thống S-200 của Ukraine. Chúng được bắn theo đường đạn đạo nhằm vào các lực lượng mặt đất của Nga. Mục tiêu của các cuộc tấn công chưa được xác định. 

Cùng ngày, quân đội Nga cũng đã đánh chặn thành công ​​​​3 quả đạn từ hệ thống pháo phản lực HIMARS và 13 máy bay không người lái chưa rõ chủng loại. Trước đó, phía Ukraine cũng đã sử dụng 4 tên lửa V-880 từ hệ thống S-200 để tấn công các mục tiêu trên bán đảo Crimea, khu vực Rostov và Kaluga của Nga.

Các nguồn tin của Nga cho biết thêm, hai trong số 4 tên lửa đã bị quân đội Nga vô hiệu hóa bằng các thiết bị chiến tranh điện tử và hai tên lửa còn lại bị đánh chặn bằng vũ khí phòng không. 

Tổ hợp S-200.

Tổ hợp S-200.

Tên lửa phòng không S-200

S-200 là vũ khí phòng không tầm xa của Liên Xô trong những năm 1980, được thiết kế nhằm bảo vệ các mục tiêu khỏi các máy bay ném bom hoặc các máy bay chiến lược khác của phương Tây (chẳng hạn như SR-71).

Các đơn vị S-200 đầu tiên được đưa vào trang bị năm 1966 và duy trì hoạt động cho đến năm 1996. Tên lửa S-200 sử dụng đầu dò bán chủ động, khi tới gần mục tiêu, đủ điều kiện thì đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật sẽ được kích nổ.

Sau khi hệ thống S-300 ra đời thì S-200 ngừng hoạt động ở cả Nga và Ukraine. S-200 được thay thế bằng S-300PMU-1/PMU-2. Sự xuất hiện trở lại của S-200, cụ thể là tên lửa V-880 trong biên chế Ukraine đã làm dấy lên nhiều suy đoán rằng nước này có thể đã được Ba Lan cung cấp khí tài. 

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cung cấp hệ thống S-200 cho một số quốc gia trong Hiệp ước Warsaw để hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của họ và đối phó các cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa hoặc không quân của NATO, các quốc gia được nhận S-200 bao gồm Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary và Ba Lan. 

Tuy nhiên, trong số các quốc gia trên chỉ có Ba Lan tiếp tục sử dụng S-200 đến hiện tại. Mặc dù đã lỗi thời do thiếu cơ động và thiết bị điện tử, nhưng tên lửa vẫn có mức độ nhận biết tình huống rất cao và tầm bắn xa hơn các hệ thống phòng không mà phương Tây sở hữu. 

Tên lửa V-880

Tên lửa V-880

S-200 cũng được sử dụng bởi các quốc gia kế tục Liên Xô là Kazakhstan, Turkmenistan và Azerbaijan, cũng như các khách hàng “thân thiết” ở châu Á bao gồm Triều Tiên, Iran và Syria. 

Ba Lan ngày càng nổi bật trong thế giới phương Tây vì lập trường cứng rắn đối với Nga. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Ba Lan đã trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ukraine, mặc dù các nhà lãnh đạo quân sự Ba Lan đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng chiếm ưu thế của Kiev trong cuộc xung đột đang diễn ra. 

Nhiều chuyên gia quân sự cho biết, các nhà thầu quân sự cùng lực lượng bán quân sự của Ba Lan đã đóng một vai trò rất lớn và ngày càng tăng trong cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut và gần đây hơn là trong các cuộc đột kích vào khu vực Belgorod của Nga vào ngày 22/5. 

Giải pháp cho S-200

Bên cạnh đó, Ba Lan cũng đã cung cấp phần lớn những vũ khí, thiết bị được thừa hưởng từ thời Liên Xô cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không tầm ngắn S-125 để tăng cường phòng thủ cho các thành phố của Ukraine. 

Pyongae-5 của Triều Tiên

Pyongae-5 của Triều Tiên

Việc cung cấp S-200 cho Ukraine được xem là biện pháp hữu hiệu, bởi nó sẽ góp phần gây thêm áp lực lên mạng lưới phòng không của Nga và giúp nước này xử lý hiệu quả các loại vũ khí, khí tài sắp ngừng hoạt động của Ba Lan. Đồng thời là cơ hội để Ba Lan tiếp ​​nhận hệ thống tên lửa tầm xa Patriot từ Mỹ vào năm 2025. 

S-200 được coi là vũ khí tối ưu cho các cuộc tấn công tầm xa, vì tên lửa V-880 có tầm bắn 300 km khi nhắm vào các mục tiêu trên không, nhưng nếu được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu trên mặt đất thì chúng có khả năng bay xa tới 500 km. 

Tầm bắn này lớn hơn gấp đôi so với tên lửa đạn đạo nguy hiểm nhất trong biên chế của Ukraine là OTR-21 Tochka. Tên lửa V-880 có đầu đạn rất lớn so với các loại đạn phòng không khác, nó nặng khoảng 220 kg, cho phép tên lửa gây sát thương đáng kể ngay cả khi bắn không chính xác. 

Tuy nhiên, Ba Lan cũng không phải là quốc gia duy nhất có thể biến đổi tên lửa S-200 từ vai trò đất đối không sang đất đối đất. Triều Tiên cũng đã làm điều tương tự với một phần kho tên lửa của họ nhằm phô trương sức mạnh trước Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nước này cũng đã thiết kế ra hệ thống phòng không Pyongae-5, một phiên bản nội địa dựa trên thiết kế của S-200. 

Với sự xuất hiện của S-200, hệ thống phòng không Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi chịu những đòn tấn công bất ngờ và có phạm vi hoạt động lớn của loại tên lửa này.

Lê Hưng(Military Watch)
Bình luận
vtcnews.vn