Khi các tỉnh phát triển các khu công nghiệp, cũng là lúc thị trường bất động sản ở khu vực đó bắt đầu phát triển. Do nhu cầu về nhà ở cho công nhân và các chuyên gia rất lớn, trong khi đó những dự án này không thể đáp ứng được chỗ ở cho nhân lực làm việc tại các khu công nghiệp.
Tại tỉnh Hải Dương - một địa phương tập trung khá nhiều khu công nghiệp, thời gian gần đây, giá đất thổ cư cạnh một số khu công nghiệp rục rịch tăng giá. Đơn cử, hiện đất thổ cư khu vực xây dựng khu công nghiệp Bình Giang đã tăng cao hơn giữa năm 2020. 1 mảnh đất thổ cư 80m2 có đầy đủ sổ đỏ trước đó khoảng 1 tỷ đồng, thì nay lên 1,2 tỷ đồng.
Hay như tại phường Cộng Hoà, TP. Chí Linh (Hải Dương), năm 2020 đất thổ cư, đất đấu giá gần khu công nghiệp Cộng Hoà tăng lên nhanh chóng. Đơn cử như mảnh đất đấu giá có diện tích 80-85m2 tại đây khoảng 600 triệu đồng/lô, nhưng chỉ sau 1 tháng, người mua sau chấp nhận với giá 850 triệu đồng/lô.
Cũng như Hải Dương, Bắc Ninh là một trong những tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá tốt. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 224/QĐ-TTg, ngày 22/2/2021 quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Dự án được đầu tư với tổng nguồn vốn gần 2.600 tỷ đồng với quy mô 306,69 ha tại xã Đông Cứu, xã Lãng Ngâm và xã Đại Bái, huyện Gia Bình.
Đón đầu làn sóng này, đất thổ cư của huyện Gia Bình cũng đang được nhiều nhà đầu tư săn lùng. Theo ghi nhận của phóng viên, các mảnh đất có vị trí đẹp, có thể xây nhà cho thuê đã tăng từ 5-10% so với giữa năm 2020.
Đánh giá về việc nhà đầu tư săn lùng đất thổ cư gần các khu công nghiệp, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do cầu không đủ cung, trong khi đó, số lượng các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên ngày càng nhiều.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước đã có 513 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với số lượng 16.160.000 m2 sàn; trong đó đã hoàn thành 249 dự án với quy mô xây dựng 5.210.000 m2 sàn, đạt tỷ lệ 41,7% so với kế hoạch; đang tiếp tục triển khai 264 dự án với quy mô xây dựng khoảng 10.950.000 m2 sàn nhà ở.
Như vậy, nhìn vào số liệu trên cho thấy, số lượng dự án nhà ở cho công nhân hiện chưa đáp ứng được số lượng công nhân tại các khu công nghiệp. Hơn nữa, số dự án nhà ở công nhân chỉ tập trung ở một số tỉnh như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nam, TP. HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc… Điều này đã khiến số công nhân ở các địa phương khác đi làm xa phải thuê nhà gần khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, trước nhu cầu lớn như vậy, việc mua đất thổ cư đầu tư là một kênh khá an toàn và có lãi. Đơn cử, mua 1 lô đất 80m2 có giá 1-1,2 tỷ đồng, nếu xây nhà cho công nhân thuê hàng tháng cũng thu về 10-15 triệu đồng. Trường hợp không xây nhà cho thuê, nhà đầu tư vẫn hoàn toàn có thể bán lại cho người khác kiếm lời.
Đánh giá về độ an toàn và rủi ro mua đất gần các khu công nghiệp, ông Đính cho rằng, đầu tư vào lô đất có sổ đỏ thì hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần chú ý về việc mua đất vườn, đất ruộng, pháp lý mảnh đất chưa rõ ràng. Đồng thời phải xem xét các lô đất chưa đủ pháp lý đó có đủ điều kiện để chuyển đổi sang đất ở, có được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?
“Khi nhà đầu tư không tìm hiểu xem xét kỹ mua phải đất ruộng, đất vườn dễ dẫn đến rủi ro bị chính quyền địa phương thu hồi lại sử dụng vào mục đích công cộng hoặc đất khu vực đó không được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho thuê”, ông Đính nhấn mạnh.
Bình luận