• Zalo

Bất động sản giảm tốc: Cơ hội cân bằng cung - cầu thị trường?

Bất động sảnThứ Sáu, 14/02/2020 06:52:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, sự giảm tốc của thị trường bất động sản trong năm 2020 là để có thời gian tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho và đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng.

Quý IV/2019 và cả năm 2019, trên hầu hết cả nước, thị trường nhà ở có sự giảm tốc về nguồn cung. Lượng cung năm 2019 đạt 107.284 sản phẩm, tương ứng 61,5% so với năm 2018. Lượng giao dịch đạt 72.828 sản phẩm, chỉ đạt 64,7% so với năm 2018.

Riêng thị trường Hà Nội, năm 2019 có 58 dự án với 26.809 sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, giảm 3.019 sản phẩm so với năm 2018 (69 dự án, 29.828 sản phẩm) và chỉ bằng 56,4% so với năm 2017 (115 dự án, 47.527 sản phẩm).

Bất động sản giảm tốc: Cơ hội cân bằng cung - cầu thị trường? - 1

Bất động sản giảm tốc: Cơ hội cân bằng cung cầu thị trường.

Theo bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc nghiên cứu CBRE Việt Nam, khoảng 5 năm thị trường hồi phục và tăng trưởng cũng là thời gian số lượng căn hộ chào bán mới ra thị trường liên tục tăng trưởng. Từ đây sẽ dẫn đến một hệ luỵ là xuất hiện lượng hàng tồn kho.

“Do vậy, sự phát triển của thị trường thời điểm này giảm lại là để có thể tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho và đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng”, bà Dung lạc quan.

Giữa năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thống kê hàng tồn kho năm 2018 của 65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường đã lên đến 201.921 tỷ đồng, nhưng thống kê của Bộ Xây dựng chỉ có 22.825 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, thống kê của Ủy ban Chứng khoán chưa tính đến các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường như Him Lam, Hưng Thịnh, Phúc Khang, An Gia, C.T Group... Như vậy, con số hàng tồn kho mà Bộ Xây dựng báo cáo chỉ có 22.825 tỷ đồng là "có vấn đề".

Tại thị trường Hà Nội, CBRE nhìn thấy được nguồn cung tương lai và khả năng hấp thụ tốt của thị trường, thậm chí có dự án khả năng hấp thụ vào khoảng 70 - 80%.

“Hiện, thị trường có tốc độ tăng trưởng không cao bằng những năm trước. Song đây không phải là vấn đề đáng lo ngại, đó là quy luật để cân bằng lại thị trường giúp thị trường bền vững hơn”, bà Dung nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong năm 2020, bất động sản vẫn hấp dẫn các ngành khác bởi mặt hàng và sản phẩm đưa ra thị trường ngày càng chất lượng dựa trên tâm huyết của chủ đầu tư ngày càng cao. Theo đó, thông thường phân khúc nào ban đầu đòi hỏi dòng tiền đầu tư lớn thì đương nhiên giá trị lợi nhuận thu về cao hơn và có sức hấp dẫn với người mua. Đối với dự án chung cư thì vị trí sẽ quyết định lợi nhuận.

Dự báo về thị trường nhà ở Hà Nội trong một vài năm tới, bà Dung cho rằng, thị trường sẽ có những điều chỉnh để nguồn cung không bị vượt quá xa so với mức hấp thụ. Đặc biệt, đối với phân khúc nhà ở bình dân và giá rẻ, các nhà quản lý và doanh nghiệp cần cân đối lại để cung – cầu gặp nhau. 

“Thời gian tới, nguồn cung vẫn dồi dào. Người mua nhà để ở sẽ có nhiều lựa chọn hơn, bởi bên cạnh việc điều chỉnh nguồn cung cho cân bằng thì chất lượng sản phẩm căn hộ càng ngày càng tốt”, bà Dung nhấn mạnh.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn