Bốn lực đẩy hạ tầng
Trên cả nước ghi nhận sự khẩn trương của các dự án cảng biển - hàng không - đường bộ - đường sắt. Bởi vì, phát triển các dự án hạ tầng được nhận định là xương sống trong chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID tại Việt Nam. Trong gói kích thích kinh tế mới trị giá 347.000 tỷ đồng, vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 113.850 tỷ đồng. Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước sẽ có 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025 (từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay).
Đáng chú ý, năm 2022, nếu được Quốc hội thông qua, đại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ khởi công, chính thức nối thông hơn 2.000 km cao tốc Bắc - Nam chạy dọc đất nước. Hành lang vận tải trên trục này có vai trò rất quan trọng, kết nối Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua 32 tỉnh thành, tác động đến 62% dân số; đóng góp 65,7% tổng sản phẩm quốc nội...
Ở phía Nam, các dự án đường giao thông trở thành động lực quan trọng để đồng bằng sông Cửu Long xoay trục phát triển. Các dự án đang được Bộ Giao thông vận tải đầu tư, gồm các tuyến cao tốc: Tuyến Cần Thơ - Cà Mau, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, tuyến Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các dự án cầu như cầu Rạch Miễu 2, cầu Ðại Ngãi, các dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 53, 62 và 91B...
Làn sóng đầu tư hạ tầng tiếp tục trở thành động lực cho bất động sản công nghiệp tăng trưởng. Theo ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp (BW), công ty này đang thúc đẩy nhiều dự án bất động sản công nghiệp đón đầu cơ hội nhiều dự án hạ tầng lớn đang hình thành trên cả nước.
“Cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một dự án khu công nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm sôi động đối với thị trường bất động sản công nghiệp và hậu cần. Thời gian giao hàng là một yếu tố chiến lược đối với các sàn thương mại điện tử lớn cũng như các công ty chuyển phát nhanh. Để có thể vận hành hiệu quả, vị trí kho bãi tốt và cơ sở hạ tầng phát triển là yếu tố sống còn”, ông cho hay.
Về hàng không, cũng trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đẩy mạnh các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài; khởi công theo quy hoạch các cảng hàng không đã được phê duyệt gồm Điện Biên, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Côn Đảo...
Đối với đường sắt, Bộ đặt kế hoạch nghiên cứu đề xuất bổ sung các tuyến mới (TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau), tuyến sang biên giới Campuchia, Lào; bảo dưỡng hạ tầng hiện hữu, đảm bảo an toàn và phối hợp cùng các bộ; sớm trình đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.
Cảng biển cũng hối hả các dự án lớn nhằm phát huy tốt vai trò đầu mối thông thương hàng hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước.
Bộ Giao thông vận tải vừa có Quyết định số 552 về việc công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam. Theo đó, 10 bến cảng mới được bổ sung vào danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, nâng tổng số bến cảng toàn quốc lên con số 296.
Các bến cảng mới được bổ sung gồm bến cảng Nosco thuộc cảng biển Quảng Ninh; bến cảng tổng hợp Long Sơn thuộc cảng biển Nghi Sơn; bến cảng Xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị (Quảng Trị); bến cảng Dầu khí quốc tế Pacific Petro (Tiền Giang); bến cảng Tân cảng Giao Long (Bến Tre); bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 (Trà Vinh). Bên cạnh đó, hai bến cảng thuộc cảng biển Vũng Tàu cũng được bổ sung lần này, gồm bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link và bến cảng Tổng hợp Cái Mép.
Cú hích mạnh mẽ cho bất động sản công nghiệp
Nhiều công ty lớn của Mỹ và châu Âu đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam ở bước nghiên cứu, phân tích chuyên sâu để lựa chọn địa điểm thích hợp. Đặc biệt, Việt Nam là nước đứng thứ hai châu Á (chỉ sau Singapore) về số lượng và độ phủ các hiệp định thương mại thế giới.
Tổng GDP các nước đã ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam đã chiếm đến 53% GDP toàn cầu. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Thị trường ghi nhận những dự án tỷ USD như của Công ty LEGO Manufaturing Việt Nam (Đan Mạch) tại Bình Dương.
Đón đầu các dự án giao thông đồng bộ, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp bắt đầu tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nhiều địa phương trên cả nước. Đáng chú ý, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước mới đây đến Singapore hơn 10 tỉ USD cam kết đầu tư được ký kết và cấp phép trong đó có nhiều dự án liên quan đến bất động sản công nghiệp như VSIP III; T&T với YCH…
Thị trường xuất hiện các Logistic City đầu tiên tại Việt Nam (dự án đầu tiên của Capital Land tại Bắc Giang quy mô tỉ đô và sắp có dự án thứ hai tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam). Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhảy vào lĩnh vực BĐS công nghiệp (T&T Group đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH (Singapore) về nghiên cứu cơ hội đầu tư Dự án Logistics có quy mô trên 70 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An…
Nguồn cung đất khu công nghiệp tại Việt Nam dự kiến tăng 44.760ha trong 2022-2025 để đáp ứng nhu cầu thuê đất khu công nghiệp đang ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam, trong đó sẽ đẩy mạnh mở rộng nguồn cung mới tại Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Năm 2022 đánh dấu bùng nổ của thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc với tỷ lệ lấp đầy đạt mức cao và thu hút được nhiều doanh nghiệp hơn. Điều này được coi là sự tăng trưởng tất yếu, bởi đây là khu vực đang tập trung những tỉnh thành thu hút lượng vốn FDI hàng đầu cả nước như Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh...
Bình luận