Vụ án làm Bắc Kinh giận dữ và gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada, Mỹ.
Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), con gái người sáng lập Huawei, cuối năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ. Sự việc làm chấn động Bắc Kinh khi Huawei đại diện cho tham vọng trở thành một cường quốc công nghệ của Trung Quốc và là một chủ đề được quan tâm về an ninh của Mỹ trong nhiều năm.
Bắc Kinh coi vụ bắt giữ là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Họ đã rất giận giữ. Họ sẽ theo dõi điều này rất chặt chẽ", Giáo sư Wenran Jiang, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học British Columbia cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/1 phàn nàn rằng Mỹ và Canada đã vi phạm quyền của bà Mạnh và kêu gọi thả bà. Người phát ngôn bộ này Cảnh Sảng cho biết đây là một "sự cố chính trị nghiêm trọng". Ông kêu gọi Canada "sửa chữa sai lầm" bằng những hành động cụ thể, thả bà Mạnh Vãn Chu và để bà trở về an toàn càng sớm càng tốt.
Washington cáo buộc bà Mạnh liên quan đến việc Huawei sử dụng một công ty vỏ Hong Kong để bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Bà Mạnh được tại ngoại và quản thúc tại gia ở biệt thự Vancouver, trong khi phủ nhận mọi cáo buộc.
Đội ngũ bảo vệ bà cho biết những bình luận của Tổng thống Donald Trump - rằng sẽ xem xét can thiệp vụ việc nếu điều đó tạo ra thỏa thuận thương mại - cho thấy vụ bắt giữ có động cơ chính trị. Trung Quốc và Mỹ hiện đã đạt được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng bất kỳ giải pháp có ý nghĩa nào đối với các mâu thuẫn thương mại cốt lõi giữa hai bên sẽ phải cần nhiều thời gian đàm phán.
Ông Trump từng nêu ra khả năng sử dụng Huawei như một con bài thương lượng trong các cuộc đàm phán, nhưng thỏa thuận công bố hôm thứ Tư (15/1) không đề cập đến công ty. Trong khi đó, Washington gây áp lực cho các quốc gia khác để hạn chế sử dụng công nghệ của Huawei, cảnh báo về nguy cơ gián điệp.
Bình luận