Theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xăng E5 sẽ được sử dụng bắt buộc thay thế cho nhiên liệu truyền thống trên các phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn.
Ngày 2/7, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến về xăng sinh học E5. Theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xăng E5 sẽ được sử dụng bắt buộc thay thế cho nhiên liệu truyền thống trên các phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn.
Các thành phố đó là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 1.12.2014 và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 1/12/2015. Trước giờ G, vẫn còn nhiều câu hỏi nêu vướng mắc về việc sử dụng loại nhiên liệu này.
Chưa phát hiện cháy nổ do xăng E5
Hiện cả nước có 7 nhà máy sản xuất ethanol với tổng công suất 535 triệu lít/năm, xây dựng theo quy hoạch tại những vùng trồng sắn trọng điểm, đủ khả năng cung cấp Ethanol để pha chế xăng E5, E10 trong năm 2014 và các năm tới.
Bắt buộc sử dụng xăng sinh học E5 tại 7 tỉnh, thành phố từ tháng 12/2014
Theo ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, từ năm 2009, Bộ KHCN đã ban hành quy chuẩn về xăng E5, và chứng minh được rằng xăng E5 phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và được phép sử dụng tại thị trường Việt Nam.
Xăng E5 được gọi là xăng sinh học, và cho đến nay chúng ta có thể an tâm sử dụng vì nó đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn.
Ông cũng cho biết thêm, Bộ đã nghiên cứu nguyên nhân cháy nổ 65% là do chập điện, chuột cắn, kỹ thuật, còn 35% là chưa rõ nguyên nhân.
Cháy nổ ở nhiều xe tải chủ yếu là do diesel, không liên quan đến xăng E5. Ông cũng khẳng định thêm, xăng E5, E10 công nghệ tốt không ảnh hưởng đến môi trường, cũng như ảnh hưởng đến máy móc, nếu để lâu có thể máy móc hơi khó nổ.
Đại diện Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hội đồng thành viên - cũng khẳng định khi sử dụng xăng sinh học E5 hay E10 thì người sử dụng đã tiết kiệm được hơn so với xăng truyền thống, không những vậy máy móc sẽ được vận hành tốt hơn, bền bỉ hơn.
Xăng sinh học do có 5% là cồn Etanol có khả năng làm tăng trị số octan (trị số chống khả năng kích nổ của động cơ) nên giúp thải ít chất độc hơn. Sản phẩm đốt cháy là CO2 và H2O, giảm ăn mòn máy móc hơn. Điều này rất tốt cho động cơ của phương tiện.
Sử dụng xăng E5 còn giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ. Vì vậy người sử dùng sẽ được hưởng lợi về mặt kinh tế.
“Xét những điều kiện trên thì cho dù giá xăng sinh học và giá xăng truyền thống không chênh lệch nhiều thì người tiêu dùng vẫn được lợi nhiều hơn khi sử dụng xăng sinh học E5”- ông Bảo khẳng định.
Còn nhiều vướng mắc về giá
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Sinh Khang - Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), việc sản xuất xăng sinh học E5 vẫn còn nhiều vướng mắc, do thị trường tiêu thụ E5 trong nước còn hạn chế. Hiện nay, PVN có 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đặt tại 3 miền.
Đó là Phú Thọ (phía Bắc), Dung Quất (Quảng Ngãi- miền Trung) và Bình Phước (miền Nam), với tổng công suất tới 300 triệu lít ethanol/năm, nhưng hiện mới đi vào hoạt động duy nhất 1 nhà máy NLSH Dung Quất. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, phần lớn sản phẩm của nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, vì vậy phải sản xuất cầm chừng.
“Giá thu mua nguyên liệu (sắn) cao, biến động theo thời vụ, nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu lớn do một năm chỉ có một vụ sắn, lãi vay ngân hàng còn cao. Ngoài ra, hiện nay, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho công tác phân phối và tiêu dùng xăng E5”, ông Khang chia sẻ.
Theo ông Khang, một trong những khó khăn chính dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư cho hệ thống cửa hàng xăng sinh học là do chi phí đầu tư cửa hàng để chuyển đổi sang bán xăng E5 khá tốn kém, mất khoảng 400 triệu đồng/cửa hàng, chưa kể chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu, vận chuyển… hiện cao hơn vài trăm đồng/lít so với kinh doanh xăng truyền thống.
Đến thời điểm này, cả nước mới có 3 trong số 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5 với tổng số 169/13.000 cây xăng trong cả nước. Ước tính, mức tiêu thụ xăng E5 trong thời gian qua của các doanh nghiệp này cũng chỉ bằng 1/8 so với xăng truyền thống.
Do vậy, ông Khang kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào nhiên liệu sinh học như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu sinh học trong nước chưa sản xuất được. Đồng thời xem xét miễn thuế, phí môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông...
Đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện giá thành sản xuất xăng E5 không thấp hơn so với xăng thông thường do chi phí để đầu tư khá lớn. Tuy nhiên về lâu dài, nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào khá thấp cộng với những chính sách ưu đãi về thuế và phí đang được Chính phủ xem xét sẽ giúp xăng sinh học có khả năng cạnh tranh hơn so với xăng truyền thống.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại buổi giao lưu trực tuyến: "Hiện tại xăng E5 và xăng thông thường có giá thành như nhau vì tuân theo nguyên tắc thị trường, nhưng Chính phủ sẽ xem xét để hỗ trợ về thuế và phí cho xăng sinh học để khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng".
Theo Hoàng Hà - Thùy Linh/Lao động
Bình luận