4 mùa Champions League gần nhất, Barcelona dừng bước ở tứ kết (3 lần) và bán kết (1 lần). Điểm chung của 4 lần bị loại ấy là gì? Họ đều thua sân khách.
Thua Atletico Madrid 0-2, thua Juventus 0-3, thua AS Roma 0-3, thua Liverpool 0-4. 4 trận thua, 0 bàn thắng, 12 lần thủng lưới, 2 trận gần nhất đều bị đối thủ ngược dòng dù thắng cách biệt 3 bàn ở lượt đi. Thua một lần có thể do tai nạn, nhưng thua đến 4 lần, trận sau lại thua đậm hơn trận trước, đấy chắc chắn là lỗi của Barcelona.
Tờ AS tiên đoán về sự sụp đổ dây chuyền ở Camp Nou mùa hè này. Marca gọi trận thua của Barcelona là "thất bại lịch sử". Daily Mail, Goal, The Guardian hay Telegraph đều choáng váng. Liverpool quá hay, không thể phủ nhận. Giữa bầu không khí đặc quánh ở Anfield cộng với tinh thần không còn gì để mất, mọi đội bóng trên thế giới đều có thể để thua Liverpool, chứ không riêng gì Barcelona.
Dẫu vậy, đâu phải mỗi Liverpool mới đè bẹp được Barcelona? Cả Juventus, Roma, Atletico hay Paris Saint-Germain đều dễ dàng vùi dập đội bóng xứ Catalunya trên sân nhà. Không biết từ khi nào, đội chủ sân Camp Nou lại dễ dàng để các đội khác ...chà đạp như thế.
Tại sao có những đội ở Champions League lại thua dù đã có lợi thế tới 3, 4 bàn (ở giải cúp thì dẫn 2 bàn đã là lợi thế lớn)? Câu trả lời nằm ở sự chủ quan. Khi Barcelona đè bẹp PSG 6-1 để hoàn tất cuộc lội ngược dòng, báo giới Pháp đã gọi màn trình diễn của PSG là "màn tự sát tập thể". Andrew Robertson nói rằng "không ai tin Liverpool làm được gì, nhưng nếu chúng tôi làm được, đó sẽ là trận đấu vĩ đại".
Trong thế chân tường, Liverpool đơn giản là không có gì để mất và không thể sai được nữa. Ngược lại, Barcelona phải chơi với tâm thế "người bảo vệ". Đáng tiếc thay, đó lại là điều họ làm kém nhất trong những năm qua. Barcelona đã "tự sát tập thể" không phải một, mà là nhiều lần.
Một điểm chung nữa trong trận thua đêm qua và trận thua AS Roma mùa trước nằm ở kịch bản của các bàn thắng. Barcelona đều thủng lưới sớm và thua bàn chốt hạ từ một quả phạt góc. Bí quyết đánh bại đội bóng xứ Catalunya là cứ ghi bàn sớm, họ sẽ không biết phải làm gì.
Barcelona chỉ cần 1 bàn ở Anfield để khiến Liverpool phải ghi 5 bàn. Đáng ra, đội khách cần chơi quyết liệt, xông xáo và có thêm một chút mạo hiểm. Liverpool cần 4 bàn, Barcelona chỉ cần 1, với lợi thế tâm lý quá lớn, song HLV Ernesto Valverde vẫn lệnh cho các học trò... lùi sâu.
Sau bàn thua sớm, Barcelona mới chịu dồn lên một chút, tạo được vài cơ hội, trước khi lại co mình về phòng ngự, lấy sở đoản để đối chọi sở trường của Liverpool.
Đội bóng của Jurgen Klopp đã áp sát tốt, cắt mọi đường liên lạc trên hàng công Barcelona, đồng thời tạo sức ép khiến đội khách không triển khai bóng được từ phần sân nhà. Tuy nhiên, không điều gì có thể bao che cho sự hèn nhát của Barcelona. Lionel Messi cùng đồng đội chơi rất hời hợt, chủ quan khi thua 0-1. Lúc Georginio Wijnaldum ghi liền 2 bàn trong 3 phút, Barcelona mới... tỉnh đòn, nhưng đã quá muộn. Mọi nỗ lực khi Liverpool "vào guồng" đều là quá muộn.
Cách HLV Valverde giải quyết vấn đề càng cho thấy tại sao ông bị CĐV Barcelona đòi sa thải dù giúp đội nhà vô địch La Liga và cúp Nhà vua Tây Ban Nha mùa trước. Liverpool ép sân, Barcelona lại rút Arturo Vidal - cầu thủ hiếm hoi hôm qua của đội khách đá tốt. Mất trạm trung chuyển và thu hồi bóng, đội khách còn không có bóng để đá.
Phút 84, HLV Jurgen Klopp rút Xherdan Shaqiri ra và ông thay một... tiền đạo khác vào (Daniel Sturridge). Liverpool không việc gì phải phòng ngự, vì Barcelona làm gì có bóng!? Và nếu có bóng, đội khách kiểu gì cũng không tấn công được.
Nelson Semedo vào sân, anh lại càng bị Sadio Mane khoét cánh. Malcom không làm được gì ngoài những pha múa may, đảo bóng và phô kiễn kỹ thuật ở phút bù giờ thứ... 4. Cả một tập thể Barcelona yếu kém, thiếu ý tưởng, rệu rã và hèn nhát từ phút đầu đến phút cuối, không sụp đổ trước Liverpool mới lạ.
Mỗi khi gặp khó, người Catalunya lại nhìn Messi. Alba lao xuống đối mặt, phía trước chỉ còn Alisson Becker, anh vẫn nhằm Messi (bị Virgil van Dijk theo kèm) để chuyền. Luis Suarez mải tranh cãi, còn Philippe Coutinho vật vờ như một bóng ma.
Tình huống thua bàn thứ tư, cả hàng thủ Barcelona đều dễ dàng để cầu thủ trẻ Alexander-Arnold "xỏ mũi". Liverpool không có Mohamed Salah, Roberto Firmino, hết hiệp 1 mất cả Andrew Robertson. Còn Barcelona, họ đánh mất sĩ khí của đội bóng lớn từ trước khi bước vào sân.
Sau trận đấu, HLV Valverde nói rằng đường pitch ở sân Anfield cao hơn khiến Barcelona... khó đá, còn Liverpool có đà để pressing. Một sự chống chế vụng về. 4 năm qua, không lẽ đường pitch ở Vicente Calderon, Allianz Stadium hay Olympico cũng... có vấn đề hay sao? Câu hỏi đó, Valverde hãy dành lại cho các học trò cùng người hâm mộ.
Ông không xứng đáng với tầm vóc của Barcelona. Một nửa đội hình đá trận hôm qua cũng vậy. Một nhóm ô hợp của những cái tên không ý thức được ý nghĩa của màu cờ sắc áo, dẫu rằng bóng đá luôn có thắng, có thua.
Bình luận