• Zalo

Báo Trung Quốc: Nếu có chiến tranh, Bắc Kinh sẽ thắng Tokyo

Thế giớiThứ Tư, 02/07/2014 03:25:00 +07:00Google News

(VTC News) – Truyền thông Trung Quốc lớn tiếng đe nẹt, ngạo mạn cho rằng Bắc Kinh sẽ cầm chắc thắng lợi nếu xảy ra chiến tranh với Tokyo.

(VTC News) – Truyền thông Trung Quốc lớn tiếng đe nẹt, ngạo mạn cho rằng Bắc Kinh sẽ cầm chắc thắng lợi nếu xảy ra chiến tranh với Tokyo.

Chính phủ Nhật Bản họp nội các bàn việc thay đổi quyền phòng vệ với việc dự tính cho phép triển khai quân đội ngoài biên giới. Điều này được hiểu là Tokyo sẽ bãi bỏ lệnh cấm triển khai phòng vệ tập thể, ra đời từ sau khi Nhật thất bại trong Thế chiến II.
Thủy quân lục chiến Trung Quốc 

Hoàn Cầu thời báo nhìn nhận rằng đây là sự thay đổi mang tính hệ trọng trong chính sách quốc phòng của Nhật. Tờ báo này bình luận: “Kể từ nay, quân đội Nhật Bản có thể ra ngoài biển, nổ súng giết người”.
Truyền thông Nhật Bản cho biết đã có một số cuộc biểu tình xảy ra ở Tokyo, phản đối Thủ tướng Shinzo Abe với việc thay đổi chính sách nêu trên. Trong khi mạng tin Chinanews của Trung Quốc tường thuật rằng ‘phản ứng trong nước rất mãnh liệt’ khiến chính quyền của ông Abe ‘không thể thay đổi hiến pháp’.
Tuy nhiên, bài bình luận trên Hoàn Cầu thời báo cho rằng với việc được phe cánh hữu trong nội các ủng hộ, nhiều khả năng ông Abe sẽ là lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản thực hiện quyền ‘sử dụng vũ lực ngoài biên giới’, ‘triển khai quân đội ở nước ngoài’ kể từ sau Thế chiến II.
Lính thủy đánh bộ Nhật Bản 

Nhiều tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cho rằng, Mỹ là nước luôn tìm cách kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh. Để làm được điều đó, Nhật Bản là yếu tố vô cùng quan trọng về địa lý, quân sự và cả chính trị. 
“Chính sách của Mỹ khiến cho ông Abe có thể thực hiện ‘đột phá chiến lược’. Lâu nay, do bị hiến pháp ràng buộc nên sự ấm ức của người Nhật đã phải tích tụ quá nhiều. Washington biết rõ điều này nên đã ‘bật đèn xanh’ cho đồng minh bởi nó phù hợp với lợi ích Mỹ”, Hoàn Cầu thời báo nhận định.
Tờ báo này cũng không quên rêu rao về ‘sự trỗi dậy hòa bình’ của Trung Quốc, chỉ trích ‘Washington và Tokyo đang tìm cách khiến cho châu Á càng loạn càng tốt’ để phục vụ cho ‘sự trỗi dậy về chính trị, quân sự của Nhật Bản’.
Xe thiết giáp lội nước của Trung Quốc 

Hoàn Cầu thời báo dọa dẫm rằng: “Tokyo sẽ không thể yên tâm, bởi Trung Quốc sẽ vạch trần mưu đồ này của họ với cả thế giới”. 
Tiếp đó, tờ báo này lập luận rằng nếu Trung Quốc không vạch mặt Nhật Bản thì sẽ không có nước nào dám làm: “Hàn Quốc vốn không ưa gì phe cánh hữu ở Nhật, nhưng Seoul cũng không dám đối đầu với Tokyo. Đứng trước mối quan hệ tam giác: Trung – Mỹ - Nhật, Hàn Quốc sẽ giữ khoảng cách an toàn”.
Tờ báo của Bắc Kinh tiếp tục rêu rao rằng Trung Quốc nắm chắc sức mạnh của Nhật và sẽ không cho phép Tokyo làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến hòa bình của Trung Quốc.
Mạng tin Chinamil dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho rằng xét về chiến lược, Bắc Kinh có thế mạnh vượt trội với Tokyo tuy về chiến thuật, hải quân Trung Quốc bị cho là còn xa mới vươn kịp trình độ của Nhật.
Tuy nhiên, sự vượt trội chiến lược mà mạng tin quân sự Trung Quốc nói đến chính là vũ khí hạt nhân. Một số tướng lĩnh diều hâu ở Trung Quốc, tiêu biểu là La Viện, cho rằng chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về Trung Quốc bởi tên lửa đạn đạo, bom hạt nhân, cho dù Bắc Kinh sẽ ít nhiều lép vế về hải quân. 
Sau khi đạt được hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá hàng trăm tỷ USD với Nga, một số nhà phân tích chính trị, quân sự ở Trung Quốc cho rằng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ không hoàn toàn là ‘kiềm chế, phòng ngừa lẫn nhau’ mà rất có thể sẽ ‘xoay chuyển theo nhiều hướng mới’.
Lực lượng tên lửa chiến thuật Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh 

70 năm trước, trong Thế chiến II, Nhật Bản chiếm hơn một nửa diện tích ở Trung Quốc. Cho tới nay, trong nhiều bộ phim Trung Quốc vẫn chiếu những cảnh du kích Trung Quốc đánh bại lính Nhật, dù rằng trên thực tế Hồng quân Liên Xô mới là lực lượng khiến hơn 1 triệu lính Nhật ở Trung Quốc phải đầu hàng.
Năm 2012, trong số khoảng 200 bộ phim truyền hình được phát sóng vào khung giờ vàng ở các kênh truyền hình vệ tinh Trung Quốc đã có tới hơn 70 phim nói về chiến tranh Trung - Nhật (những năm 1930 - 1940) hoặc cuộc chiến giữa các điệp viên. Ước tính có tới 700 triệu lính Nhật bị ‘chết’ trong các bộ phim ở Trung Quốc mỗi năm. 
Hoàn Cầu thời báo chỉ trích chính quyền Nhật Bản là vẫn chưa quên ‘cảm giác thống trị châu Á’, ‘một nước nhỏ nhưng tham vọng bành trướng cực lớn’. Bài xã luận của Hoàn Cầu thời báo thừa nhận Trung Quốc không thể tác động tới chính sách của Nhật Bản, nhưng dọa rằng ‘khi nhìn thấy trong tay Trung Quốc đang có gì, đối thủ sẽ phải dừng bước’.

Phương Mai
Bình luận
vtcnews.vn