(VTC News) – Tờ báo mang nặng tư tưởng cực đoan của Trung Quốc có bài viết công khai thể hiện sự hiếu chiến khi hăm dọa Nhật, Mỹ và đòi lôi kéo cả Nga vào hoạt động quân sự.
Theo Hoàn Cầu thời báo, Đô đốc hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas hôm 29/1 vừa qua tuyên bố Washington hoan nghênh Nhật tham gia tuần tra ở Biển Đông với lý do ‘tàu cá Trung Quốc, tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều hơn các nước khác’.
Kỳ hạm USS Blue Ridge LCC19 ở Biển Đông |
Đô đốc hải quân Mỹ cũng kịch liệt chỉ trích ‘đường chín đoạn’ mà Trung Quốc tự ý vẽ ra hòng độc chiếm Biển Đông. Ông Robert Thomas nói việc làm này của Bắc Kinh ‘hoàn toàn không có cơ sở pháp lý’, ‘gây căng thẳng ở Biển Đông’.
Báo Trung Quốc đánh giá việc một chỉ huy cấp cao hải quân Mỹ công khai kêu gọi Nhật Bản ‘đối trọng’ với Trung Quốc ở Biển Đông là điều rất hiếm thấy.
Giới chức Nhật Bản và Trung Quốc đều chưa đưa ra bình luận nào về đề nghị của Đô đốc Robert Thomas. Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu thời báo dọa dẫm nếu Tokyo làm theo đề nghị của Mỹ thì Bắc Kinh sẽ ‘có những hành động thích hợp’.
“Nhật Bản lâu nay luôn muốn phát huy tác dụng quân sự ở Biển Đông, nhưng chúng tôi hy vọng rằng Tokyo nên kìm chế điều này, hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động”, trích bài viết trên Hoàn Cầu thời báo.
Bài trên Hoàn Cầu thời báo nói Nhật Bản là ‘quốc gia nằm ngoài khu vực Biển Đông’, và cho dù thế nào thì Nhật Bản cũng ‘không thể thay đổi được việc họ (Tokyo) không có tư cách can dự những tranh chấp ở Biển Đông’.
Tờ báo này cũng nói Nhật Bản ‘đừng mơ mộng thay đổi cục diện Biển Đông’. Sau khi ‘dọa’ Nhật, báo Trung Quốc quay sang chĩa mũi nhọn vào Mỹ: “Mỹ có hiện diện quân sự ở Biển Đông là vấn đề lịch sử, nhưng các quốc gia khác thực ra đã phải nhẫn nhịn điều này. Nhưng nơi đây không phải là chỗ để Mỹ muốn làm gì thì làm, lôi kéo ai thì lôi kéo”.
Cũng như những lần khác, bài viết trên Hoàn Cầu thời báo mang nặng mùi ‘nước lớn’ với kiểu nói ngạo mạn, thách thức: "Một quốc gia nào đó ủng hộ Nhật Bản như là ‘nước Mỹ thứ hai’ ở Biển Đông không có nghĩa là toàn bộ các quốc gia ở Biển Đông đều như thế. Ý kiến của Trung Quốc phải được tôn trọng ở đây”.
Điểm đóng quân trái phép của Trung Quốc ở đá Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam - Ảnh: Sohu |
Rõ ràng, Trung Quốc coi Biển Đông như ‘ao làng’, đòi hỏi thiết lập luật chơi bất chấp đây là tuyến giao thông trên biển quan trọng với cả châu Á, châu Mỹ và châu Âu.
Hoàn Cầu thời báo còn hăm dọa sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, tăng nhanh, tăng mạnh xây dựng các căn cứ tại Hoàng Sa, Trường Sa, bất chấp việc này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.
Một thứ ‘chiến lược’ khác được đưa ra là Bắc Kinh sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Matxcơva ở Đông Bắc Á để ‘kiềm chế Mỹ và đồng minh’.
Tiếp tục giọng điệu hiếu chiến, Hoàn Cầu thời báo viết: Chúng tôi muốn khuyên bảo Tokyo vài câu. Việc nước này lo lắng trước sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là dễ hiểu. Nhưng Nhật Bản phải biết dừng lại trước ‘lằn ranh đỏ’ nếu không muốn trở thành kẻ địch số một của nước Trung Quốc hiện đại.
Tờ báo nặng mùi dân tộc cực đoan này ngạo mạn nói “Trung Quốc và Mỹ mới là nước lớn ở châu Á. Với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, Trung Quốc cùng Mỹ đủ sức tạo ra uy hiếp với Nhật Bản”.
“Hy vọng Nhật Bản là kẻ thông minh, chớ nên cho rằng mình có thể trêu chọc hai người khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc”, trích nội dung bài viết của Hoàn Cầu thời báo.
Về diễn tiến thực địa ở Biển Đông, các trang mạng Trung Quốc không hề úp mở nói nước này đang thực hiện chiến dịch thâm hiểm ở Trường Sa: Không cần tuyên bố, chỉ cần lặng lẽ chiếm cứ các cứ điểm, xây dựng năng lực quân sự để từ đó xác lập vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa.
Điều này cho thấy, Trung Quốc đang trắng trợn thực thi cái gọi là chiến lược ‘bộ bộ vi doanh’, nghĩa là từng bước thành lập các căn cứ quân sự ở Trường Sa, ngang nhiên chà đạp luật pháp quốc tế, chà đạp lên chính cái gọi là ‘sự trỗi dậy hòa bình’ mà nước này rêu rao nhiều năm qua.
Văn Việt
Bình luận