Dù được xây dựng từ lâu và thí điểm trên phiên bản điện tử của báo Hòa Bình hơn 1 năm nhưng đa số dân Hòa Bình vẫn chưa hề biết đến sự tồn tại của bộ chữ tiếng Mường dành cho người dân tộc này.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV VTC News tìm đến những nơi tập trung nhiều người dân tộc Mường sinh sống tại Hoà Bình để tìm hiểu. Tuy nhiên, đa số những người được hỏi, từ người Mường đều cho biết, họ chưa từng nghe nói đến bộ chữ này.
Khi PV VTC News mở những bài viết bằng chữ tiếng Mường trên phiên bản điện tử của báo Hòa Bình cho những người này xem, họ cho biết không hiểu được những chữ này. Thậm chí, một số người còn nhầm lẫn sang bộ chữ cải cách Tiếng Việt của PGS. Bùi Hiền.
Ngơ ngác
Bà Hà Thị Đăng (56 tuổi, người dân tộc Mường), chủ một cửa hàng tạp hóa tại TP. Hòa Bình cho biết, bà chưa bao giờ được nhìn thấy chữ viết của tiếng Mường trước đây: “Tiếng Mường có từ lâu đời nhưng chữ viết Mường thì tôi chưa bao giờ nghe nói tới”.
Khi được PV cho xem các bài viết trên báo Hòa Bình được viết bằng tiếng Mường, người phụ nữ 56 tuổi tỏ ra bối rối, cố gắng đánh vần một số từ "lạ" mà bà chưa từng nhìn thấy trong đời. Theo bà Đăng, chỉ những từ gần giống với tiếng Kinh là bà có thể đọc được, những từ còn lại thực sự đã làm khó bà.
Giống như bà Đăng, ông Phùng Văn Sản (60 tuổi, người dân tộc Mường ở xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình) cho biết, ông cũng chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe nói về bộ chữ dành riêng cho dân tộc mình. Tiếp xúc với những bài đăng tiếng Mường trên báo Hòa Bình, ông Sản cũng lắc đầu cho biết không thể đọc được dạng chữ này.
Tương tự, nhiều học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) là người dân tộc Mường cũng cho hay, các em chưa từng nghe nói đến bộ chữ cho người Mường. Khi đọc phiên bản điện tử bằng tiếng Mường của báo Hòa Bình, đa số các em đều cho biết không hiểu hết được nội dung các bài viết.
Em Bùi Minh Đức (học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) chia sẻ, dù là người Mường nhưng em chưa bao giờ nghe nói đến bộ chữ dành cho người dân tộc mình đã được UBND tỉnh Hòa Bình xây dựng và phê duyệt.
Tiếp xúc với những bài báo trên phiên bản tiếng Mường của báo Hòa Bình, nam sinh tỏ ra lạ lẫm và dù cố gắng đọc lại nhiều lần. Em cho biết, mình chỉ hiểu được khoảng 50% nội dung bài báo.
Đặc biệt, với các em nhỏ, thế hệ mà nhiều em dù là người Mường nhưng không còn biết nói Mường thì việc xuất hiện một bộ chữ tiếng Mường là điều quá xa lạ.
Em Nguyễn Quang Linh (12 tuổi, người dân tộc Mường) lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán và cho rằng mình không muốn học và cũng không học nổi chữ viết này khi được PV cho xem một bài báo tiếng Mường trên báo điện tử Hoà Bình.
"Dân mong chờ bộ chữ"
Lý giải cho việc dù bộ chữ Mường đã được xây dựng từ lâu nhưng đa số người dân Mường ở Hòa Bình vẫn chưa biết tới, bà Bùi Kim Phúc – Phó trưởng phòng Quản lý Văn Hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình) thông tin, bộ chữ tiếng Mường là thành tựu của văn hóa Mường. Người dân ở đây cũng rất mong chờ có được bộ chữ này.
Tuy nhiên, bà Phúc cho rằng, những đề án triển khai phổ biến trên diện rộng thế này, cần phải có một bộ tài liệu chuẩn được phê duyệt và nghiệm thu. Bộ tài liệu này hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, vì vậy, việc người dân chưa biết đến bộ chữ tiếng Mường là điều dễ hiểu.
“Việc xây dựng bộ tài liệu do Viện Ngôn ngữ chủ trì. Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cũng đang mong chờ có được bộ tài liệu chuẩn để triển khai”, bà Phúc nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Ánh - Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp – Giáo dục Thường xuyên, Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, Sở GD-ĐT Hòa Bình mới tiếp cận bộ chữ hồi tháng 7 từ Ban Tuyên giáo tỉnh Ủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển giao.
“Sở GD-ĐT đang làm đề án dạy tiếng Mường trên tỉnh, giai đoạn 2019-2025. Hiện tại, Sở đang bắt đầu xây dựng đề cương để trình UBND tỉnh. Sở GD-ĐT sẽ giao các đơn vị chức năng, hướng là giao cho trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình để triển khai việc nghiên cứu xây dựng khung chương trình, chương trình chi tiết, đề cương bài giảng để giảng dạy.
Trước mắt là giáo viên người Mường, sau đó sẽ rút kinh nghiệm, xây dựng lại chương trình để triển khai rộng hơn”, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp – Giáo dục Thường xuyên Sở GD-ĐT Hòa Bình thông tin.
Theo đánh giá của ông Đinh Văn Ổn - Tổng biên tập báo Hòa Bình, việc ra đời bộ chữ riêng dành cho người Mường là kết quả rất đáng ghi nhận, giúp dân tộc Mường lưu giữ được tiếng nói và văn hóa riêng của mình. Không những thế, các cơ quan báo chí cũng rất thuận lợi trong việc đưa những thông tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như ở đời sống xã hội đến với bà con.
Phó Tổng biên tập báo Hòa Bình, ông Đỗ Ngọc Vinh cho biết thêm, cùng với phiên bản tiếng Mường, báo còn có phiên bản tiếng Anh. Kể từ khi 2 phiên bản tiếng Mường và tiếng Anh ra mắt, lượng độc giả truy cập tăng lên gấp đôi so với trước đây.
Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết về lượng truy cập vào trang tiếng Mường, ông Vinh cho hay, báo Hoà Bình chưa có thống kê cụ thể lượng truy cập này.
"Không cần thiết"
Về việc đánh giá hiệu quả và có nên xây dựng một bộ chữ dành riêng cho người Mường hay không, những người Mường được PV VTC News phỏng vấn cho rằng, điều này là không cần thiết vì sẽ làm phức tạp thêm việc học chữ. Họ đồng ý với việc sử dụng chữ viết chung là Tiếng Việt.
Ông Đinh Văn Đài (64 tuổi, người dân tộc Mường, xã Trung Minh, TP. Hòa Bình) cho biết, việc xây dựng bộ chữ dành riêng cho người Mường là điều không cần thiết, bởi người Mường hoàn toàn có thể sử dụng chung chữ viết Tiếng Việt cho nhu cầu của mình.
“Trong thời kỳ hội nhập, người Mường cũng có thể hội nhập với người Kinh về chữ viết, vì vậy, không cần thiết phải có bộ chữ riêng cho người Mường”, ông Đài nói.
Đồng quan điểm với ông Đinh Văn Đài, em Nguyễn Quang Lê (12 tuổi, ở xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình) cũng cho biết, em đã quen với cách học tiếng phổ thông, vì vậy, em không mong muốn sẽ có thêm một bộ chữ dành riêng cho người Mường.
Ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình ký quyết định phê duyệt bộ chữ dành riêng cho dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình và giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan của tỉnh Hòa Bình xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.
Tháng 6/2017, báo Hòa Bình mở phiên bản điện tử bằng tiếng Mường sử dụng bộ chữ tiếng Mường đã được phê chuẩn với mục đích phục vụ độc giả là người dân tộc Mường.
Bình luận