TP.HCM sẵn sàng các phương án ứng phó bão
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 16 (tên quốc tế là Tembin), UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với chính quyền huyện Cần Giờ thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền đang đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Theo dự báo, bão số 16 sẽ vào TP.HCM trong đầu tuần tới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12.
Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 16, bằng mọi cách thông báo cho chủ tàu biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của bão, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các đơn vị cần duy trì thông tin, liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu vào bờ neo đậu an toàn.
Thành phố cũng yêu cầu các quận huyện, phường xã, thị trấn triển khai ngay phương án chi tiết, huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn trước cơn bão, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm.
Chuẩn bị ngay phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, bảo đảm cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi tạm cư.
Tại TP.HCM, UBND thành phố chỉ đạo huyện Cần Giờ phải sẵn sàng sơ tán 4.000 hộ dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố.
Vũng Tàu triển khai các phương án phòng chống bão
Chiều 22/12, UBND Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị về công tác chuẩn bị ứng phó với bão Tembin.
Theo đó, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương, triển khai, chủ động ứng phó với bão Tembin, tổ chức trực 24/24 theo dõi sát diễn biến cơn bão.
TP Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các đơn vị địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phương án để phòng, tránh bão, trong đó tập trung không cho tàu, thuyền ra khơi, di dời các hộ dân đang nuôi cá trên lồng bè lên bờ bảo đảm an toàn.
Liên tục theo dõi diễn biến cơn bão và theo dõi thông tin chỉ đạo từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để triển khai thực hiện.
Bạc Liêu nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu ra chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển. Khi có bản tin cuối cùng về bão Tembin mới cho tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường.
Video: Lên kịch bản sơ tán hàng vạn người miền Tây tránh bão Tembin
Kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn đang trên biển; thông tin liên lạc thường xuyên về diễn biến bão Tembin cho các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi biết để tìm nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão.
Cùng với đó, mở các cột đèn tín hiệu báo bão tại các đồn Biên phòng và bố trí người trực bảo đảm đèn tín hiệu hoạt động 24/24 giờ; bắn tín hiệu báo bão theo quy định.
Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành NN&PTNT cùng các địa phương hướng dẫn nơi neo đậu cho tàu thuyền, bảo đảm cho các tàu neo đậu tránh bị va đập, kiên quyết không để người ở trên tàu; tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn; tổ chức trực ban 24/24 giờ và báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Ngành nông nghiệp khẩn trương phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nếu cơn bão gây mưa lớn trên diện rộng, nhất là đối với diện tích lúa Thu Đông, Đông Xuân và lúa trên đất tôm; thông tin, hướng dẫn các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi về biện pháp phòng tránh bão Tembin; hướng dẫn cách neo đậu an toàn đối với tàu thuyền đã cập bến.
Cà Mau ra công văn hỏa tốc ứng phó bão
Ngày 23/12, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Tembin, thường xuyên thông tin để người dân biết nhằm chủ động ứng phó; không được lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt ở vùng ven biển.
Đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiến hành kiểm đếm, tăng cường quản lý chặt chẽ tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thông suốt; hướng tàu thuyền di chuyển, tìm nơi tránh, trú an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc trực ban 24/24, và báo cáo định kỳ, báo cáo nhanh các vụ việc đột xuất về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để xử lý kịp thời.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16h ngày 23/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/giờ) và có khả năng mạnh thêm, như vậy khoảng đêm nay (23/12), bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippin) và đi vào Biển Đông.
Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và còn diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường.
Cơ quan cứu trợ thiên tai quốc gia Philippines cho biết, ít nhất 30 người đã thiệt mạng khi cơn bão Tembin kèm theo mưa lớn tràn vào miền Nam nước này ngày 22/12.
Bình luận