• Zalo

Bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền từ tối 13/10

Tin nhanh 24hThứ Ba, 12/10/2021 21:16:10 +07:00Google News
(VTC News) -

Bão số 8 di chuyển nhanh, sức gió mạnh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta từ tối và đêm mai (13/10).

Ngày 12/10, kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh bão số 8 di chuyển nhanh, sức gió mạnh, từ tối và đêm mai, bão ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta.

Phó Thủ tướng nêu rõ phải cấp bách triển khai các biện pháp ứng phó, không thể chủ quan, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bằng mọi cách giữ vững những kết quả đạt được trong công tác phòng chống thiên tai. Tính từ đầu năm đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được hạn chế ở mức thấp. 

Vừa qua, công tác ứng phó với bão số 7 và mưa lũ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, cũng còn xảy ra một số thiệt hại đáng tiếc như sự cố tai nạn chìm 1 tàu đánh cá của tỉnh Thái Bình làm 1 người chết; cháu bé thiệt mạng do bị rơi xuống suối ở Yên Bái và 1 người bị lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn trong lũ.

Bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền từ tối 13/10 - 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục bám sát, nắm chắc tình hình, nhất là công tác kêu gọi tàu thuyền, khi vẫn còn tàu thuyền chưa về nơi trú tránh an toàn, cố gắng không để bà con vẫn ở trên biển khi bão số 8 đổ bộ vào.

Nhấn mạnh phương án sơ tán người dân là rất quan trọng, Phó Thủ tướng lưu ý việc sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở, đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 7; sơ tán dân nhưng phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, trong đó, tập trung bảo đảm an toàn cho các khu cách ly tập trung. Kiểm soát, hướng dẫn, hạn chế người dân đi lại qua vùng bão, lũ, tránh thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn. Các địa phương cần quan tâm chăm lo việc trú tránh bão cho bà con khi di chuyển từ các tỉnh phía Nam về quê như lo ăn uống, chỗ ở để sau khi hết bão, bà con có thể tiếp tục di chuyển.

Một việc nữa cần đặc biệt quan tâm là bảo đảm an toàn công trình hồ đập, đê điều (nhiều hồ nhỏ có thể đã đầy nước cần có phương án bảo đảm an toàn). Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết, không để bị động, bất ngờ.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 7 khi xảy ra một số sự cố dẫn đến chết người, Phó Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, tránh chủ quan dẫn tới thiệt hại, sự cố đáng tiếc. Không chỉ cơ quan báo chí truyền thông mà cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống mưa bão.

Phó Thủ tướng giao Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 8 (Kompasu) hiện có cường độ cấp 10-11 và khả năng mạnh lên.

Tuy nhiên, khi vào gần bờ, do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục tăng cường, bão sẽ suy yếu 2-3 cấp. Khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp là từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các địa phương liên qua cho biết đã sẵn sàng ứng phó bão số 8. Đến nay về cơ bản đã kêu gọi, hướng dẫn, kiểm soát bảo đảm an toàn đối với hầu hết tàu thuyền hoạt động trên biển (chỉ còn 3 tàu của tỉnh Quảng Ngãi với 29 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa). Các địa phương cũng đã rà soát, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ theo các kịch bản có thể xảy ra. 

Văn Giang
Bình luận
vtcnews.vn