• Zalo

Bão số 3 Thần Sét quét qua: Thiệt hại tính đến trưa 20/8

Thời sựThứ Bảy, 20/08/2016 11:59:00 +07:00Google News

Dù cơn bão số 3 Thần Sét đi qua đã làm 1 người chết, 4 người bị thương và thiệt hại tài sản nhất định nhưng về cơ bản, hậu quả không như dự báo khiến người dân thở phào.

Thông tin từ văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, người chết là ông Mùa Bà Sủa (48 tuổi), thường trú tại xã Púng Pánh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Hà Nội có 3 người bị thương, Vĩnh Phúc một người và nguyên nhân chủ yếu là do cây đổ.

Về thiệt hại tài sản, có 11 nhà sập (Quảng Ninh); hư hại, tốc mái 33 nhà (Hà Nội 19 nhà, Điện Biên 8 nhà, Quảng Ninh 6 nhà); ngập 36 nhà (Sơn La); hỏng 11 ôtô, xe máy (Hà Nội); thiệt hại 59ha hoa màu (Quảng Ninh 50ha, Sơn La 9ha); 36 cột điện (Hà Nội 14, Quảng Ninh 22); đổ 135 cây (Hà Nội).

IMG20160819162416

Biển quảng cáo và những quầy hàng bánh trung thu đổ rạp bên đường Phạm Hùng  (Hà Nội) 

Trao đổi với VTC News sau khi bão số 3 đi qua, Ông Bùi Sỹ Sơn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, theo báo cáo thông tin từ các địa phương trong tỉnh, hầu hết diện tích hoa màu, đầm phá, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng.

 
Sau khi cơn bão số 3 đi qua, người dân ở quê tôi đang thở phào nhẹ nhõm

Ông Ngô Xuân Yên

"Nghe tin bão lớn nên gia đình tôi đã chuẩn bị chằng, chống nhà cửa rất kĩ. Thật may mắn là bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và không gây ảnh hưởng gì nặng nề. Sau khi cơn bão số 3 đi qua, người dân ở quê tôi đang thở phào nhẹ nhõm", ông Ngô Xuân Yên, một người dân ở khu vực giáp biển Hải Thịnh (Hải Hậu - Nam Định) nói.

14068199_827049477398188_1191167928904140301_n

Lều quán ven biển Hải Thịnh không bị nghiêng đổ sau bão. 

Trước đó, để phòng chống những diễn biến bất ngờ từ cơn bão số 3, UBND tỉnh Nam Định đã di dời khẩn cấp 15.000 nhân khẩu chủ yếu tập trung vào ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường ra khỏi khu vực nguy hiểm tại các lều chòi đầm canh, nuôi trồng thủy sản, vùng có khả năng ngập lụt…

Cầu Phao Ninh Cường đoạn bắc qua sông Ninh Cơ, nối liền Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng - Nam Định) với 7 xã của huyện Trực Ninh, bị cắt trong mưa bão đã được nối liền để phục vụ việc đi lại cho người dân.

Tại Thái Bình, theo ghi nhận bước đầu ảnh hưởng từ bão là không lớn. Anh Đỗ Ngọc Hiếu, một người dân ở Xuân Hòa (Vũ Thư - Thái Bình) cho hay: "Tôi nghe thông tin bão về nên xin nghỉ không đi làm. Thế nhưng, may mắn là khu vực tôi ở chỉ có mưa nhỏ. Đường cũng không ngập lụt, cây trái trong vườn cũng không ảnh hưởng gì".

"Thế nhưng, vấn đề đáng ngại nhất ở Thái Bình là có gần 5.000 ha lúa mới cấy cần phải luôn luôn túc trực để điều chỉnh mực nước dưới ruộng. Chúng tôi không được chủ quan trước những diễn biến khó lường của mưa bão", ông Phạm Văn Xuyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay.

b281113b52a9d41027f82437c35e6301_11800097_10153511170387156_4455404539837825277_n

Đề phòng lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi. 

Thông tin mới nhất cập nhật từ TT khí tượng thủy văn Quốc gia thông báo, lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Lục Nam, sông Thương, sông Mã và sông Bưởi đang lên nhanh và đang ở mức báo động.

Dự báo thời tiết ngày và đêm 20/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa diện rộng, riêng khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to (30-50mm) có nơi trên 70mm.

Mưa trên diện rộng, mức nước trên các sông đang tăng cao nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An.

Trước những diễn biến khó lường từ bão lũ, chính quyền địa phương cần thông tin, hướng dẫn liên tục, tránh những tai nạn, hậu quả đáng tiếc và đảm bảo an toàn cho người dân.

VTC News sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Video: Cây đè bẹp xe ô tô sau mưa bão tại Hà Nội

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn