Bão bão số 1 Talim giảm cấp.
Sáng 18/7, tại cuộc họp giao ban ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin bão số 1 sau khi đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) đã giảm 2 cấp, khả năng trong vài giờ nữa sẽ đổ bộ vào khu vực biên giới Việt - Trung.
Do ảnh hưởng của bão số 1, khu vực bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) trong sáng và trưa nay có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11-12, biển động dữ dội.
"Khoảng 9 - 11h, tâm bão sẽ đi vào khu vực giữa Quảng Ninh và Đông Hưng (Trung Quốc) với cường độ mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. Khu vực Móng Cái là vùng có gió mạnh nhất ở Bắc bộ; Lạng Sơn, Hải Phòng có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Bắc Giang, Thái Bình có gió giật cấp 8. Đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11", ông Khiêm nêu rõ.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, với hướng đi như hiện tại, lượng mưa có sự thay đổi.
Cụ thể từ ngày 18 - 19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 180-280mm, cục bộ có nơi trên 400mm; khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200mm; Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm.
Còn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 120mm.
"Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị; cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái", ông Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, từ ngày 18 - 20/7, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-5m ở thượng lưu, từ 2-4m ở hạ lưu. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông Thương, Lục Nam có khả năng đạt mức báo động 1 - báo động 2; đỉnh lũ khu vực thượng lưu và các sông suối nhỏ thuộc sông Đà, Thao, Lô báo động 1 và trên báo động 1.
Còn các sống suối nhỏ tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ cục bộ. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa.
"Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên", Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nói thêm.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng và các công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai với các nội dung trọng tâm.
Theo đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Quản lý chặt chẽ, cấm các phương tiện ra khơi, nhất là tàu cá, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn và có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu. Kiên quyết không cho người dân quay trở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản khi bão chưa tan.
"Đảm bảo an toàn đối với khách du lịch lưu trú trên các đảo, thông báo, tuyên truyền không để khách du lịch hiếu kỳ ra bờ biển đón bão tránh tai nạn đáng tiếc", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét để chỉ đạo các biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân
Bình luận