Bước vào cuộc so tài quyết định với U22 Thái Lan với đầy đủ lợi thế trong tay, song thầy trò huấn luyện viên (HLV) Hữu Thắng đã bại trận với tỉ số nặng nề 0-3. Thất bại này khiến U22 Việt Nam về nước ngay sau vòng bảng và tiếp tục nuôi giấc mộng tìm kiếm chức huy chương Vàng SEA Games ở những kỳ đại hội tiếp theo.
Nhìn rộng ra, tuyển Việt Nam mới có duy nhất một danh hiệu lớn trong lịch sử, đó là chức vô địch AFF Cup 2008. Như vậy, thành quả mà U22 Việt Nam cùng tuyển Việt Nam có được ở đấu trường khu vực còn rất khiêm tốn, không thể so sánh với Thái Lan, Singapore hay thậm chí Indonesia, Malaysia. Bóng đá Việt Nam thất thu danh hiệu, dù trên thực tế, chúng ta sở hữu rất nhiều thế hệ cầu thủ tài năng.
Video: U22 Việt Nam 0-3 U22 Thái Lan
Nỗi đau của bóng đá Việt Nam đã được cây bút John Duerden của Fox Sports so sánh với bóng đá Hà Lan, qua đó lí giải phần nào nguyên nhân thất bại của các cầu thủ áo đỏ trong rất nhiều năm trở lại đây. VTC News xin lược dịch bài viết cho tiêu đề "Việt Nam - Hà Lan của châu Á" để độc giả hiểu hơn về quan điểm này.
"Có rất nhiều tài năng, rất nhiều đam mê và "thừa mứa" những ngôi sao giàu triển vọng, nhưng Việt Nam thường có thói quen thất bại khi phải chịu áp lực lớn.
Bóng đá ở đất nước này đáng lẽ phải giành được nhiều danh hiệu lớn, song thay vào đó, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành "Hà Lan của châu Á".
Nhắc đến Hà Lan, người ta sẽ nhớ tới tập thể mạnh mẽ từng lọt vào tới ba trận chung kết World Cup, nhưng chẳng có được chức vô địch nào. Dù sở hữu nhiều thế hệ cầu thủ chất lượng (thậm chí có cả những cái tên thuộc hàng quái kiệt như Johan Cruyff), bóng đá Hà Lan cũng chỉ có vỏn vẹn một chức vô địch EURO. "Cơn lốc màu da cam" từng ở rất gần nhiều danh hiệu lớn, nhưng không làm sao chiến thắng trận đấu cuối cùng để chinh phục được nó.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang nhìn thấy câu chuyện tương tự với đội tuyển thân yêu của mình.
Mọi thứ đều ủng hộ U22 Việt Nam trước trận cầu quyết định tại bảng B SEA Games 29. Tấm vé lọt vào bán kết ở trong tầm tay khi chúng ta chỉ cần một trận hòa. Để rồi, họ thất bại 0-3, và huấn luyện viên trưởng phải từ chức sau trận thua thảm họa đó.
Ba bàn thắng của U22 Thái Lan gieo ác mộng cho người Việt, song đó không phải toàn bộ câu chuyện trong 90 phút trên đất Malaysia. Bàn thắng đầu tiên là tình huống gây tranh cãi khi U22 Thái Lan được hưởng quả phạt trong vòng cấm (sau quả chuyền về của cầu thủ bên phía U22 Việt Nam bị thủ môn dùng tay xử lý).
Sau khi thua 0-2, U22 Việt Nam được hưởng quả phạt đền. Công Phượng - người chơi ấn tượng trong những trận trước, sút hỏng. Ngay sau đó là bàn thắng thứ ba, và U22 Việt Nam nhận vé về nước.
Những đối thủ bảng B (như U22 Thái Lan, U22 Indonesia) không phải chướng ngại dễ dàng cho U22 Việt Nam. Dẫu vậy, U22 Việt Nam vẫn mở màn với ba chiến thắng liên tiếp. Hai trận thắng đậm trước U22 Đông Timor và U22 Campuchia được đoán biết từ trước, nhưng trận thắng U22 Philippines đã đặt U22 Việt Nam vào vị trí cực tốt trong cuộc đua giành vé vượt qua vòng bảng.
Vấn đề không đơn thuần là thất bại trước U22 Thái Lan. Một chiến thắng trước U22 Indonesia trong lượt trận áp chót là đủ. Khi đội bóng này chỉ còn 10 người trên sân, ai cũng hiểu rằng cơ hội đã tới. Nhưng không. U22 Việt Nam phải đợi đến lượt trận cuối, dù không thể nói cơ hội đi tiếp của toàn đội đã sụt giảm. U22 Thái Lan không mạnh như mọi năm, song họ vẫn là đối thủ rất nguy hiểm.
U22 Việt Nam sở hữu nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm, đã thi đấu cùng các đàn anh tại các đội bóng tại V-League. Họ đáng lẽ phải làm chủ được tình hình.
Thất bại của U22 Việt Nam được cho là xuất phát từ sai lầm chiến thuật của HLV Hữu Thắng. Trần Hữu Đông Triều nên được ra sân ngay từ đầu để ngăn chặn những tiền vệ tấn công đáng gờm bên phía U22 Thái Lan. Trên lý thuyết, phương án này giúp U22 Việt Nam đứng vững trước những đợt tấn công của người Thái, trong khi vẫn sở hữu những cầu thủ sáng tạo ở tuyến trên để tạo ra những pha lên bóng trực diện.
Tuấn Anh cùng Xuân Trường ở tuyến giữa? Họ sẽ tấn công tốt hơn, nhưng hàng phòng ngự không được bảo vệ ở mức cần thiết.
HLV Hữu Thắng đổ lỗi cho quyết định của trọng tài chống lại U22 Việt Nam, và ngay sau đó, chiến lược gia này đã nhận mọi trách nhiệm và tuyên bố từ chức. Sự chỉ trích leo thang từ trước khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Gần một năm sau trận bán kết AFF Cup đầy thất vọng, bóng đá Việt Nam một lần nữa phải rời giải trong cay đắng.
U22 Việt Nam đã trình diễn diện mạo sáng sủa, cho đến khi áp lực xuất hiện. Lịch sử đã lặp lại. Việt Nam, một lần nữa được nhìn nhận là đội bóng mạnh nhất giải đấu cho đến khi bị "nghiền vụn" bởi những thất bại. Trái lại, Thái Lan không thể hiện những gì tốt nhất trong những trận đầu. Nhưng khi họ buộc phải thắng, họ đã thắng, thậm chí thắng một cách tàn nhẫn. Thái Lan đã thắng trong cuộc chiến tâm lý.
Đó là những gì Việt Nam cần. Họ cần tìm thấy được sự tàn nhẫn của mình, họ cần chiến thắng không chỉ để khẳng định tâm lý vững vàng, mà còn để xua tan áp lực trong những năm tới đây.
U22 Việt Nam rời SEA Games một cách thiếu may mắn. Giờ là lúc thôi trở thành tập thể thiếu may mắn đó, mà phải bắt đầu hướng tới thành công. Nếu không, nền bóng đá giàu tiềm năng này sẽ đứng trước nguy cơ trở thành phiên bản châu Á của bóng đá Hà Lan".
Bình luận