• Zalo

Báo Pháp nêu bật thành tựu trong chiến lược phát triển của Việt Nam

Thế giớiChủ Nhật, 25/03/2018 14:35:00 +07:00Google News

Chiến lược phát triển của Việt Nam được báo chí Pháp đặc biệt quan tâm trước thềm chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Pháp.

Trước thềm chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Pháp theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tờ Nhân Đạo (l’Humaité), một tờ báo uy tín của Pháp đã đăng tải bài phỏng vấn Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân về các thành tựu kinh tế, xã hội của Việt Nam.

viet-nam-bao-phap-1

Bài viết về Việt Nam trên báo Pháp. (Ảnh chụp màn hình) 

Trong số ra ngày 23/3, tờ “Nhân đạo” đăng tải bài viết có nhan đề “Việt Nam đã vượt qua tình trạng kém phát triển”, trong đó bình luận về thành tựu của chiến lược quốc tế trong những năm qua của Việt Nam qua cuộc trao đổi của phóng viên báo này với Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mục đích chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, vào đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Hoàng Bình Quân cho biết: “Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tới Pháp trong 13 năm qua. Đây là cơ hội để điểm lại quá trình hợp tác giữa hai nước, đánh giá các tiềm năng và định hướng để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược được ký năm 2013”.

“Pháp là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, trao đổi thương mại hai chiều năm 2017 ước đạt 4,62 tỷ USD và Pháp đang đón nhận 7.000 sinh viên Việt Nam nghiên cứu, học tập tại Pháp. Quan hệ song phương cũng được thể hiện trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, tư pháp, hành chính, hải quan, quốc phòng, an ninh cũng như hợp tác phi tập trung”, ông Hoàng Bình Quân khẳng định.

Trả lời câu hỏi về chiến lược của Việt Nam trong hội nhập khu vực và quốc tế, sau 30 năm tiến hành đổi mới, ông Hoàng Bình Quân nhấn mạnh rằng: “Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển để gia nhập nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Quá trình hội nhập quốc tế đã nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và phân phối quốc tế giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và ký kết các hiệp định thương mại tự do. Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, các nước lớn có vai trò trong an ninh và phát triển của đất nước”.

Ông Hoàng Bình Quân cũng trao đổi về hiệu quả của Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về gìn giữ hòa bình và ổn định trên biển Đông được hai nước ký kết tháng 11 vừa qua, nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh, các tranh chấp trên biển Đông chỉ liên quan tới các quốc gia và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền. Các tranh chấp liên quan tới hai quốc gia thì cần được giải quyết song phương, trong khi các tranh chấp liên quan tới nhiều bên thì cần được các bên liên quan trao đổi. Vấn đề là cần phải đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, hàng không, gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Vấn đề biển Đông là một vấn đề do lịch sử để lại, lãnh đạo hai đảng và hai nước đã nhiều lần trao đổi thẳng thắn quan điểm và đã đạt được nhận thức chung quan trọng. Hai bên cần phải thực hiện nghiêm túc các cam kết đã đưa ra, đặc biệt là Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, nỗ lực tìm kiếm giải pháp tổng thể và bền vững, tôn trọng các lợi ích hợp pháp của mỗi bên và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhắc đến vai trò hỗ trợ của Pháp đối với Việt Nam trong xử lý vấn đề chất độc da cam, ông Hoàng Bình Quân chia sẻ, Việt Nam là quốc gia bị ô nhiễm nhất trên thế giới bởi bom mìn. Việt Nam đã tiến hành điều tra, thiết lập bản đồ khu vực bị ảnh hưởng trên toàn quốc.

Trong giai đoan 2010 – 2015, mỗi năm Việt Nam đã làm sạch được hơn 50.000 héc-ta đất và đặt mục tiêu làm sạch được 800.000 héc-ta trong giai đoạn 2016 – 2025.

Theo số liệu của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, vẫn còn gần 1 triệu trên tổng số 3 triệu người bị nhiễm chất độc này. Tổng nguồn vốn hỗ trợ mỗi năm là 700 triệu USD. Hiện có 176 trung tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam đang hoạt động, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tạo công ăn việc làm cho những người còn khả năng lao động.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ này còn rất hạn chế so với số người bị ảnh hưởng. Loại bỏ các hậu quả của chất độc da cam đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của Việt Nam và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của Pháp trong lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác y tế. Ngay từ những năm 1970, các nhà nghiên cứu Pháp đã tổ chức các hội thảo chuyên đề về sản phẩm hóa học và hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Việt Nam mong muốn các chuyên gia Pháp tiếp tục các nghiên cứu về các đột biến di truyền cũng như phương pháp điều trị cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong những thế hệ khác nhau.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn