Tờ Business Insider trích bảng xếp hạng hiệu quả chống dịch của các nước do viện nghiên cứu Lowy của Úc thực hiện. Theo đó, Việt Nam xếp thứ hai trong số 98 quốc gia, chỉ sau New Zealand.
Trả lời phỏng vấn của Business Insider, ông Guy Thwaites, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại một trong những bệnh viện điều trị COVID-19 của Việt Nam, cho biết chính phủ Việt Nam đã phản ứng "rất nhanh chóng và mạnh mẽ" ngay từ khi dịch mới bùng phát.
Từ tháng 1/2020, Việt Nam đã tiến hành đánh giá rủi ro của COVID-19 ngay sau khi một loạt ca bệnh "viêm phổi nặng" được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, phân tích thành công của nước ta trong chiến dịch đối phó với COVID-19 là nhờ 3 yếu tố: truy vết nguồn lây, triển khai xét nghiệm và đưa ra thông điệp hướng dẫn rõ ràng. Nhờ các yếu tố trên, Việt Nam tránh được việc phải phong tỏa toàn quốc.
Trong một bản báo cáo trình lên Liên hợp quốc, ông Malhotra viết rằng Việt Nam đã nhanh chóng triển khai một đợt cách ly diện rộng kéo dài 3 tuần vào tháng 2/2020. Ông cũng khen ngợi việc nước ta đóng cửa biên giới và đình chỉ các chuyến bay từ Trung Quốc, Anh, Châu Âu sau khi phong tỏa.
“Khi có ca bệnh, những khu vực xuất hiện ca nhiễm sẽ được phong tỏa, không ai có thể ra vào”, ông Malhotra cho biết.
"Chính phủ đã áp dụng biện pháp không khoan nhượng để loại bỏ virus... Khi người dân tin tưởng vào chính phủ, họ sẽ làm theo những gì chính phủ kêu gọi", ông Thwaites nói.
Tờ Insider viết rằng không có một quốc gia nào với diện tích và dân số tương tự có thể đối phó với đại dịch như Việt Nam. Trong số 102 triệu dân Ai Cập, có tới hơn 176.000 người mắc COVID-19, theo báo cáo của đại học John Hopkins. Congo ghi nhận hơn 24.000 ca nhiễm trong số 89 triệu dân. Đặc biệt, Việt Nam có biên giới giao với quốc gia bùng phát dịch bệnh đầu tiên là Trung Quốc.
Xét điều kiện địa lý và dân số, ông Malhotra đánh giá công cuộc chống dịch của Việt Nam cao hơn New Zealand: “Thật vô lý khi so sánh các nước khác với New Zealand. Chúng tôi có những thách thức lớn hơn nhiều".
Điều phối viên của Liên hợp quốc cũng phủ nhận việc chính phủ Việt Nam không chia sẻ dữ liệu về dịch bệnh: "Dữ liệu được ghi lại theo thời gian thực và không có sự cưỡng ép nào trong các biện pháp chống dịch được thực hiện ở đây".
Với dân số 97 triệu người, Việt Nam ghi nhận ít hơn 2.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 35 người chết.
Bình luận