Từng có thời kỳ người Mỹ có lý do để lo ngại về Liên Xô và vì thế nhiều người nhìn thấy cái gọi là “mối đe dọa từ Nga”, tuy nhiên họ phóng đại điều này đến mức cực kỳ hoang tưởng, nhà báo Mark Hopkins viết trên tờ Greenville News. Nhà báo Hopkins nhận định xét trên phương diện GDP, Nga thua nhiều quốc gia phương Tây và do đó Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không gây chiến với Mỹ mà chỉ muốn tập trung vào tăng cường sức mạnh kinh tế của đất nước.
“Mối đe dọa từ Nga” đối với Mỹ trên trường quốc tế trên thực tế chỉ tồn tại duy nhất trong đầu óc người Mỹ, nhà báo Hopkins nhận xét, “Liên Xô, đất nước mà chúng ta lo ngại, không còn tồn tại kể từ sau thời Tổng thống Reagan. Liên Xô tan rã, bỏ lại một mình nước Nga. Dù Nga có tiềm lực hạt nhân, nhưng mối đe dọa không còn như những năm 1980”.
Việc so sánh GPD của Nga và Mỹ có thể phác họa được phần nào tiềm lực quân sự của 2 quốc gia – hiện tại, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về GDP còn Nga chỉ đứng thứ 12, “thậm chí còn không lọt vào nhóm 10 nước dẫn đầu”, nhà báo Hopkins nhấn mạnh, đồng thời chỉ ra rằng tổng GDP của các nước thành viên NATO trong đó có Mỹ gấp đến 27 lần GDP của Nga.
Theo nhà báo Hopkins, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ có tham vọng lớn nhất là khôi phục sức mạnh kinh tế của Liên Xô cũ, do đó Nga quyết định sáp nhập Crưm vào năm 2014 – khu vực này có vị trí rất quan trọng, những cảng biển tại đây mở đường cho Nga ra khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải, kết nối Nga với những đối tác thương mại tiềm năng ở Nam Âu, Bắc Phi và Trung Đông.
Nhà báo Hopkins nhận định đằng sau chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria là nỗ lực của Matxcơva bảo vệ thị trường và nguồn dầu mỏ giá rẻ cần thiết cho tàu hàng cũng như các nhà máy của Nga. “Nước Nga còn cần điều gì nữa? Triều Tiên cũng thế. Cả Matxcơva và Bình Nhưỡng đều muốn giành được vị trí trong con mắt của cộng đồng quốc tế”, nhà báo Hopkins viết.
Có thể khẳng định rằng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên không hề nhằm mục đích tấn công nước Mỹ. Cũng giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn giành vị thế trên trường quốc tế, theo nhà báo Hopkins.
“Bằng chứng ư? Xét về GDP, Triều Tiên nằm ở nhóm 100 phía dưới. Triều Tiên không hề muốn chiến tranh với Mỹ mà chỉ muốn thế giới công nhận sự tồn tại của mình. Những cuộc gặp gỡ với người đứng đầu nước Mỹ mang lại gì cho Triều Tiên và Nga? Họ giành được đúng những điều mà các nhà lãnh đạo của họ mong muốn”, nhà báo Hopkins kết luận.
Video: Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5/2018 của Nga
Bình luận