• Zalo

Báo Mỹ: Hình ảnh vệ tinh tố cáo Triều Tiên che giấu hàng loạt cơ sở tên lửa

Thế giớiThứ Ba, 13/11/2018 12:46:00 +07:00Google News

Những hình ảnh vệ tinh được CSIS tiết lộ ngày 12/11 cho thấy, hơn 13 cơ sở tên lửa đang hoạt động chưa từng được Triều Tiên công bố.

Dẫn báo cáo của chương trình Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm 12/11, tờ New York Times đăng tải bức ảnh chụp vệ tinh khu vực Sakkanmol, nằm cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc, khoảng 135 km về phía tây bắc cho thấy lối vào các cơ sở tên lửa và bệ phóng tên lửa bị che giấu bằng những tấm bạt ngụy trang.

Untitled 6

Hình ảnh bao quát một cơ sở tên lửa ở Sakkanmol. (Ảnh: CSIS) 

Các nhà nghiên cứu của chương trình Beyond Parallel của CSIS xác định được 13 trong số ước tính khoảng 20 cơ sở tên lửa đang hoạt động chưa từng được Triều Tiên công bố.

CNN nhận định, có thể các cơ quan tình báo Mỹ đã sớm biết về những cơ sở tên lửa này ngay cả khi Triều Tiên che giấu, song, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân đối với Mỹ và để duy trì đối thoại sau hội nghị lịch sử tháng 6, nên Nhà Trắng vẫn giữ im lặng. 

Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từ chối bình luận về những hình ảnh mới được CSIS tiết lộ, nhưng các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại trong việc Triều Tiên tiếp tục che giấu những địa điểm bí mật để sản xuất và thử nghiệm công nghệ tên lửa, thậm chí có thể là chương trình hạt nhân của nước này.

“Những cơ sở tên lửa này có thể được sử dụng cho tất cả các loại tên lửa đạn đạo từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) trở lên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Bình Nhưỡng nên liệt kê và công khai những cơ sở này sau khi cam kết thực hiện chương trình phi hạt nhân hóa” – CNN viết.

Theo CNN, tình báo Mỹ từ lâu đã cho rằng Triều Tiên giữ kín phần lớn kho vũ khí, bao gồm các bệ phóng tên lửa, dưới hầm trong lòng đất. Đặc biệt, những hình ảnh tập trung vào cơ sở tên lửa Sakkanmol, được cho là nơi có các tên lửa tầm ngắn nhưng cũng có thể chứa những tên lửa tầm trung có đầu đạn hạt nhân.

Thông tin được CSIS công khai vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên truyền thông rằng, ông rất vui mừng với những gì đang diễn ra ở Triều Tiên. 

Video: Chiến lược "im lặng" của Triều Tiên với Tổng thống Mỹ

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa tại hội nghị tháng 6 ở Singapore. Dù vậy, các điều khoản phi hạt nhân hóa không cụ thể và do đó các cuộc đàm phán tiếp theo không đạt được nhiều kết quả đột phá.

Triều Tiên yêu cầu Mỹ và cộng đồng quốc tế từ từ nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt tương ứng với từng bước trong quá trình phi hạt nhân hóa, thay vì đợi đến khi hoàn thành, tuy vậy Washington cứng rắn tuyên bố chỉ thực hiện nới lỏng trừng phạt, khi nào Bình Nhưỡng đưa ra danh sách kê khai các cơ sở sản xuất, bãi thử tên lửa, số lượng đầu đạn hạt nhân và cho phép Mỹ cùng các tổ chức quốc tế tới thanh sát. 

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều tiếp tục rơi vào bế tắc, khi mới đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự định gặp các quan chức Triều Tiên ở New York ngày 8/11, nhưng sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cuộc gặp bị Bình Nhưỡng hoãn lại mà không đưa ra lý do. Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.

>>> Đọc thêm: Đại sứ Mỹ tiết lộ lý do Triều Tiên đột ngột huỷ đối thoại

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn