• Zalo

Báo lỗ khủng, EVN sẽ tăng giá điện?

Kinh tếChủ Nhật, 27/11/2016 14:52:00 +07:00Google News

''Tình hình ngân sách hiện tại không khả quan, năm qua EVN lại báo lỗ nên việc tăng giá hoàn toàn có khả năng xảy ra''.

Trong cuộc làm việc với EVN mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định năm 2016 ngành điện không phải điều chỉnh giá điện, không vướng phải bức xúc trong dư luận về tình hình giá điện. Sang năm 2017 cũng sẽ không "ồn ào" về giá điện.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, giá điện năm 2017 sẽ tăng chứ không bình lặng như năm 2016.

EVN bao lo khung, tin hieu tang gia dien duoc kich hoat

Điệp khúc tăng giá điện sắp được EVN kích hoạt?

Dại gì không tăng...

Trao đổi với báo chí, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự đoán, giá điện sang năm tới sẽ tăng bởi vì nhiệt điện than của Việt Nam hiện nay rất nhiều, trong khi giá than sắp tới sẽ tăng nên nguyên liệu đầu vào tăng lên, chi phí này đươc tính vào giá điện.

Cùng với đó, vị chuyên gia này cũng cho biết, tình hình ngân sách hiện tại không khả quan, năm qua EVN lại báo lỗ nên việc tăng giá hoàn toàn có khả năng xảy ra. Vấn đề là sẽ tăng ở mức nào để cho hợp lý, tránh gây ồn ào trong dư luận.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nhận định năm 2017 giá điện sẽ tăng, thậm chí tăng kịch mức cho phép do ngành điện được quyền tăng giá nên không dại gì không tăng. Cùng với đó, EVN đang báo lỗ khoảng 1.000 tỉ đồng vì lỗ tỷ giá vừa qua nên để bù đắp sẽ phải tăng giá điện.

Lật ngược lại vấn đề, khoản lỗ gần 1000 tỷ đồng mà các chuyên gia đề cập đến nằm trong báo cáo hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN). 

Cụ thể, tổng lợi nhuận hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN (chưa có lỗ chênh lệch tỷ giá) đạt 5.814 tỷ đồng. Lỗ chênh lệch tỷ giá của Tập đoàn EVN là 6.371 tỷ đồng.

Sau khi bù trừ, tính chung, EVN cho biết, tập đoàn này bị lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thuế tổng cộng 716 tỷ đồng.

Còn quyền tăng giá mà TS. Thịnh đề cập đến chính là Dự thảo về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Bộ Công thương. Trong đó có đề xuất, EVN được phép tăng giá tối thiểu 3 tháng/lần nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện thay đổi, với mức tăng mỗi lần 3 - 5%, mức tăng tối đa là 20%/năm.

Không hợp lý

Bàn luận về mối tương quan giữa những khoản lỗ của EVN và những đợt tăng giá điện trong những lần trước, GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên EVN đưa ra những tuyên bố thua lỗ liên quan đến việc chênh lệch tỷ giá.

Vị Giáo sư dẫn chứng, vào thời điểm năm 2015, EVN cũng đưa ra những con số cho thấy tập đoàn này đang bị thua lỗ, hoạt động không hiệu quả.

''Tôi không rõ động cơ chính thức của những tuyên bố này là gì. Nhưng theo phán đoán của tôi, nhiều khả năng đây là động thái EVN thông báo trước có thể thời gian tới sẽ tăng giá điện để bù vào những thua lỗ. Họ dù được Chính phủ giao cho quyền này nhưng cũng cần lý do để công bố'', GS.TS Đào đặt nghi vấn.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, doanh nghiệp và người bán hàng lúc nào cũng mong muốn tăng giá hàng của mình và bằng mọi cách thực hiện việc này. Nhất là trong những ngành nghề, lĩnh vực vẫn thuộc độc quyền của nhà nước như điện EVN thì điều này không có gì quá lạ lẫm.

''Các doanh nghiệp độc quyền như EVN thường tìm cách này hay cách khác để yêu cầu nhà nước ưu tiên, ưu đãi và tăng giá bán của sản phẩm của họ.

Việc tăng giá điện hiện nay không tương xứng với tăng thu nhập của người dân Việt Nam nói chung cũng như những người hưởng lương nhà nước nói riêng. Vì thế cho nên khi nó tăng giá thì đều gặp những phản ứng. Cơ sở tăng giá không rõ ràng, không minh bạch'', ông Thịnh nói.

Vị chuyên gia lập luận, nếu tuyên bố lỗ vào thời điểm này là cái cớ EVN đưa ra để tăng giá điện thì rõ ràng không hợp lý.

''Nếu lỗ tỷ giá thì rõ ràng đây là lỗi ở các nhà quản lý của EVN. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm việc này. Chúng ta không thể để tình trạng cán bộ EVN hưởng một mức lương rất cao so với mặt bằng của xã hội Việt Nam, hưởng nhiều ưu tiên, ưu đãi lớn nhưng suốt ngày quản lý kém và xin tăng giá điện'', PGS.TS Thịnh khẳng định.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn