Bài bình luận mở đầu bằng việc nhắc lại sự việc gần đây khi Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo của Indonesia tổ chức họp nội các ngay trên một chiếc tàu quân sự gần quần đảo Natuna, nơi đang bị Trung Quốc liên tục quấy nhiễu.
Bài viết đánh giá đó là động thái quan trọng để thu hút sự chú ý của công chúng vào vấn đề Biển Đông, đồng thời là một hành động mang tính biểu tượng cho việc Indonesia quyết tâm chống lại những hành động vô lối của Trung Quốc ở vùng biển của Indonesia cũng như các khu vực đang có tranh chấp khác ở Biển Đông.
Chỉ trong vài tháng, tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào vùng biển của Indonesia, cách Trung Quốc đại lục tới 2.010 km, ít nhất 3 lần, mặc dù Bắc Kinh vẫn thừa nhận quần đảo Natuna không thuộc các "tranh chấp ở Biển Đông".
Jakarta Globe nhấn mạnh, những yêu sách của Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho Indonesia nếu chính phủ Indonesia không có phản ứng mạnh mẽ.
Có 2 câu hỏi đang được đặt ra ở Indonesia. Thứ nhất, động cơ đằng sau các hoạt động đáng ngờ của Trung Quốc liên quan đến các tàu đánh cá trong lãnh thổ Indonesia là gì? Thứ hai, Chính phủ Indonesia sẽ phản ứng chính thức đối với vấn đề này ra sao?
Theo Jakarta Globe, để trả lời những câu hỏi trên, Indonesia phải xem lại tình huống tương tự xảy ra với Malaysia trong hơn một thập kỷ trước. Sự thất bại của chính phủ Indonesia đã khiến nước này mất hai hòn đảo Sipadan và Ligitan.
Theo quan điểm địa chính trị, có ba yếu tố quan trọng liên quan đến sự tồn tại của bất kỳ quốc gia nào hiện nay. Đó là sức mạnh, địa điểm và không gian. Chúng là những biến số chính phủ cần xem xét khi thiết kế chính sách đối ngoại. Jakarta Globe khẳng định, những yếu tố này đã bị bỏ qua kể từ thời kỳ hậu cải cách của Indonesia.
Tờ này cũng thúc giục chính phủ Indonesia phải nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ lãnh thổ, thậm chí trong bối cảnh toàn cầu hóa khi các đường biên giới trở nên “mờ nhạt”.
Jakarta Post cho rằng, hành động quân sự và phương pháp tiếp cận ý thức hệ vẫn cần dùng khi cần thiết để giảm thiểu khả năng các nước khác tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ của Indonesia.
Tờ này vạch ra các chiến lược để đối phó với khả năng Trung Quốc cố chiếm đảo Natuna.
Thứ nhất, ngoại giao có thể là biện pháp hiệu quả nhất. Indonesia phải cho thấy vai trò quan trọng của mình trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là một trong những thành viên sáng lập. Bằng cách tham gia và tăng cường thông tin liên lạc với các nước ASEAN, Jakarta sẽ có được một vị thế chính trị mạnh mẽ hơn để chống lại chính phủ Trung Quốc và thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Phương pháp ngoại giao luôn thích hợp hơn và hiệu quả hơn so với hành động quân sự. Chính phủ Indonesia sẽ khó có khả năng hành động quân sự trong các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Jakarta Globe cho rằng, Indonesia vẫn phải sẵn sàng dùng quân đội khi cần thiết.
Video: Tướng Trung Quốc kêu gọi dùng vũ lực với Phillippines
Thứ hai, Jakarta Globe nhấn mạnh, để tránh lặp lại lịch sử đau thương khi để mất Sipadan và Ligitan, Indonesia cần nghiên cứu kĩ lưỡng về các vấn đề lịch sử và địa lý liên quan đến các hòn đảo của nước này. Chiến lược đó là nhằm chuẩn bị cho trường hợp phải giải quyết tranh chấp tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Thứ ba, quan tâm hơn đến đời sống của người dân đang sống trên các đảo xa của Indonesia, ưu tiên về các vấn đề như sức khỏe và giáo dục.
Cuối cùng, Jakarta Globe đề xuất, chính phủ của ông Jokowi phải làm điều gì đó “phi thường” nhưng vẫn nằm trong các quy tắc quốc tế để đảm bảo rằng Indonesia không mất bất kỳ lãnh thổ nào nữa trong tương lai.
Bình luận