• Zalo

Báo Hong Kong đưa tin về Đại hội XIII của Đảng: Việt Nam sẵn sàng tỏa sáng

Thời sự quốc tếThứ Ba, 26/01/2021 17:56:32 +07:00Google News
(VTC News) -

SCMP in quốc kỳ Việt Nam nguyên trang đầu chuyên trang "Châu Á tuần này" kèm với bình luận: "Ngôi sao đang lên của châu Á - Việt Nam sẵn sàng tỏa sáng".

SCMP cũng đăng tải bài xã luận dài về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong suốt thời gian qua ngay trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

"Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc hôm 25/1 sẽ bầu ra các vị trí lãnh đạo tiếp theo và công bố các mục tiêu kinh tế của Việt Nam. Được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sự kiện 5 năm một lần này được nhiều người nhận định là thời khắc chuyển mình của Việt Nam nhờ việc chống dịch hiệu quả và sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong những năm gần đây",SCMP bình luận trong bài viết. 

Theo tờ báo Hong Kong, 1.587 đại biểu có mặt tại Hà Nội để tham dự sự kiện quan trọng kéo dài một tuần. 

"Với sự quản lý kinh tế hiệu quả cũng như thành tích trong khống chế dịch COVID-19, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Đây là bằng chứng cho lập luận của một số học giả cho rằng Việt Nam nên được xem xét như một cường quốc hạng trung",SCMP bình luận. 

SCMP dẫn lời nhà kinh tế Irvin Seah của Ngân hàng Phát triển Singapore nhận định Việt Nam đã tới "thời của mình" khi các nền tảng kinh tế phát triển mạnh mẽ và các chính sách được cân nhắc hợp lý để đảm bảo triển vọng dài hạn thuận lợi.

Báo Hong Kong đưa tin về Đại hội XIII của Đảng: Việt Nam sẵn sàng tỏa sáng - 1

SCMP dành nguyên trang đầu của chuyên trang "Châu Á tuần này" (số 24-30/1) cho quốc kỳ Việt Nam. (Ảnh: Facebook nhà ngoại giao Phạm Bình Đàm)

"Xét về quy mô nền kinh tế, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đứng vào hàng ngũ một số nền kinh tế tương đối phát triển trong khu vực trong thập kỷ tới", chuyên gia này phân tích.

Ông lý giải sự thành công này là do các khu công nghiệp được tích hợp ở mức độ cao, vị trí chiến lược của đất nước này trong chuỗi cung ứng khu vực, ưu đãi thuế hấp dẫn, thuế doanh nghiệp thấp và lực lượng lao động có sức cạnh tranh.

Tháng 1/2021, Economist Intelligence Unit - tổ chức chuyên phân tích tình hình kinh tế ra báo cáo Việt Nam đã vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp ở châu Á và trở thành một trung tâm mới cho sản xuất chi phí thấp trong chuỗi cung ứng của khu vực. 

Theo SCMP, sự phát triển kinh tế đáng kể của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Việt Nam trong vài thập kỷ tới có thể trở thành một cường quốc hạng trung. 

Dẫn ví dụ về Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 được tổ chức ở Hà Nội, chuyên gia Lye Liang Fook tới từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (ISEAS) tin rằng đây là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế.

“Đây là những dấu hiệu cụ thể cho thấy Việt Nam đang tìm cách đóng một vai trò lớn hơn, tương xứng với khả năng và tầm vóc của mình", ông Lye bình luận. 

Lye cho rằng con số tăng trưởng 2-3% trong năm 2020 của Việt Nam là mức phát triển rất tích cực so với tăng trưởng âm ở nhiều nước khác. Theo chuyên gia này, thành công chống dịch thời gian qua cũng tạo cho Việt Nam động lực để lấy lại đà tăng trưởng. 

Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trên 6% trong năm 2021. Theo SCMP, đây là bước phát triển có thể giúp củng cố vị thế của Việt Nam như “ngôi sao đang lên” của châu Á.

SCMP cũng dẫn lại bài viết của ông Huỳnh Tâm Sáng - Giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong đó đề cập tới việc đã tới lúc cần đánh giá lại vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng cường quốc thế giới.

Trong khi đó, Linh Nguyễn - chuyên gia tới từ Tổ chức tư vấn về rủi ro Control Risks tin rằng Đại hội Đảng lần này là lúc có thể thấy những thay đổi trong chính sách xác định chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. 

Ivan V. Small, nghiên cứu viên Chương trình Việt Nam học của ISEAS tin tưởng tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì khi ngành du lịch bắt đầu hồi phục sau đại dịch. Cùng với đó, xuất khẩu hàng chế tạo cũng như nông sản, bao gồm từ điện thoại thông minh, chip, hàng điện tử, đến hàng dệt may, giày dép, cà phê và gạo... cũng có khả năng sẽ tăng.

Theo chuyên gia này, Việt Nam được hưởng lợi khi các công ty nước ngoài đang và sẽ lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của mình do thương chiến Mỹ - Trung nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tránh đầu tư vào Trung Quốc.

Small lưu ý thêm, một số thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam ký gần đây như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU cùng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho đất nước.

Bill Hayton - chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định, các công ty nội địa lớn như tập đoàn Vingroup là một nguồn quan trọng khác cho tăng trưởng của Việt Nam. 

"Vingroup được xem như phiên bản Hyundai hoặc Samsung của Việt Nam. Tập đoàn này đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ra toàn cầu. Ngoài bất động sản và khu nghỉ dưỡng, tập đoàn này còn mở rộng sang lĩnh vực siêu thị mini, trường học, chăm sóc y tế, và thậm chí cả sản xuất ô tô và điện thoại thông minh", ông Hayton chia sẻ. 

Song Hy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn