Ngày 1/11, Hoàn Cầu thời báo đưa tin về cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tăng cường trao đổi chiến lược, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, kiểm soát đúng đắn những khác biệt, nhằm đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới lên một tầm cao mới.
Ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), kiêm Chủ tịch Trung Quốc, đã tiếp đón Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Theo các nhà phân tích, việc hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết một loạt văn bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực thể hiện sự tin cậy chính trị ở mức độ cao và đặt nền tảng cho việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương trong tương lai, với bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng phức tạp.
Trong cuộc gặp, ông Tập Cận Bình nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên ông gặp sau khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 20. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cho thấy hai bên rất chú trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Ông Tập Cận Bình cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đứng trước những cơ hội và thách thức mới, ông sẵn sàng cùng trao đổi sâu sắc về xây dựng xã hội chủ nghĩa và phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Cùng ngày, Tổng Bí thư Tập Cận Bình trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Huân chương Hữu nghị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - huân chương được tặng cho người nước ngoài có đóng góp xuất sắc trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc và nước ngoài.
Sau cuộc hội đàm hôm 31/10, hai nhà lãnh đạo chứng kiến việc ký kết các văn kiện hợp tác về chính trị, kinh tế thương mại, bảo vệ môi trường, văn hóa và du lịch, tư pháp, hải quan, cùng các vấn đề địa phương.
Hoàn Cầuthời báo nhấn mạnh: "Chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng đã thu được nhiều thành quả đáng mừng với việc ký kết các văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Chuyên gia Xu Liping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói điều này cũng thể hiện mối quan hệ của Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí, láng giềng, đối tác và bạn bè tốt đẹp".
Ông Xu nói thêm, truyền thống lâu đời và mối quan hệ chặt chẽ giữa hai Đảng đã dẫn đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Tờ báo trên trích dẫn lại lời Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai trong cuộc trao đổi với Báo Nhân Dân: "Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và đại dịch COVID-19, cũng như tác động tiêu cực, đa chiều đến tình hình kinh tế chính trị toàn cầu, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiếp tục nâng cao và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt - Trung, củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ hai nước lên một giai đoạn phát triển mới",
Hợp tác trong tương lai
Báo chí Trung Quốc đưa tin, hai nhà lãnh đạo nhất trí không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, điều chỉnh chiến lược phát triển và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như y tế và chăm sóc sức khỏe, phát triển xanh, kinh tế số và biến đổi khí hậu.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nước này cũng coi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, là khu vực then chốt trong hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao, đồng thời coi trọng vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Sun Xiaoying, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng là hợp tác kinh tế và thương mại. Thị trường rộng lớn của Trung Quốc mang lại cơ hội to lớn cho các ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm liên tục và Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các thành viên ASEAN. Theo Bộ Công Thương Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 55,9 tỷ USD, tăng 37 lần so với năm 2002.
Các nhà phân tích nhận định, Việt Nam không chỉ là thành viên chủ chốt của ASEAN mà còn là nền kinh tế quan trọng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được Trung Quốc và các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy mạnh mẽ. Vì vậy, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có nhu cầu tăng cường quan hệ song phương mạnh mẽ, "vì coi nhau là đối tác chiến lược quan trọng để thúc đẩy hơn nữa phục hồi và hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt khi thế giới đang có những bất ổn".
Ông Xu lưu ý rằng, những năm gần đây, Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn trong ASEAN. Mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, mà còn giúp phục hồi kinh tế ở châu Á.
Bình luận