Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ thực trạng của giáo dục mầm non
Ngân sách cho Giáo dục mầm non được quan tâm nhiều hơn, tổng chi chiếm 11,2% tổng chi sự nghiệp giáo dục địa phương.
Cũng theo báo cáo, số phòng học kiên cố của Giáo dục mầm non cuối năm 2012 – 2013 đạt hơn 89 nghìn/161 nghìn phòng. Cũng trong ba năm qua cả nước có thêm 877 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết, việc phổ cập giáo dục mầm non nhất là đối với việc quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế.
Cần phải quan tâm đúng mức tới giáo dục mầm non để những trường hợp bạo hành như hiện nay không còn xảy ra
Nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ phổ cập mầm non còn thấp, bà Nghĩa đề nghị các địa phương cần lưu tâm vấn đề này (phổ cập mầm non, tiểu học, THCS), tuy nhiên cũng phải rà soát lại các điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn chứ không nóng vội, chạy theo thành tích.
Song song với việc phổ cập cho trẻ 5 tuổi cũng cần đảm bảo các quy định phát triển cho trẻ dưới 5 tuổi. Phát triển mạng lưới trường lớp, ưu tiên đủ trường lớp cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đặc biệt, địa phương cần cân đối, dành quỹ đất đủ diện tích tối thiểu theo quy định để xây dựng trường.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng con số 17 tỉnh hoàn thành phổ cập thấy có vẻ thấp, nhưng chúng ta có 75% số xã phổ cập, còn lại 25%. Dù vậy cũng cần quyết tâm lớn để hoàn thành phổ cập.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh và các giám đốc Sở phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Có thể chưa có nhà xây kiên cố hiện đại ngay thì có những nhà an toàn, sạch sẽ, hợp vệ sinh để làm phổ cập.
Một điều rất quan trọng trong vấn đề phổ cập mầm non là giáo viên. Theo ông Đam: “Vấn đề lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ giáo viên chúng ta đã làm nhưng còn nhiều bất cập. Đơn cử như vấn đề lương, cũng có nhiều ý kiến khác nhau: Giáo dục muốn đổi mới căn bản toàn diện cần nhiều điều kiện, trong đó cần thay đổi căn bản lương của đội ngũ giáo viên. Nhưng chúng ta không biết, việc này không thể làm một lúc được".
Phó Thủ tướng cũng cho hay Trung ương đã bàn hai kỳ về đề án cải cách tiền lương nhưng chưa ra được Nghị quyết bởi để sắp xếp lại lương ở Việt Nam cần 1 triệu rưỡi tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách có 1 triệu tỷ đồng.
Những năm vừa qua Đảng, Nhà nước đã có chính sách phát triển giáo dục, trong đó có mầm non dẫn tới biên chế giáo viên nên chỉ mấy năm đã tăng 500.000.
“Chúng ta đã chuẩn hóa chia nhỏ lớp và bây giờ một số địa phương có báo cáo là thừa giáo viên phổ thông, trong khi đó giáo viên mầm non thiếu.”
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới cần kết hợp giữa tuyển dụng mới và vấn đề tạo tạo lại, chuyển hướng cho hệ thống giáo viên như thế nào để chúng ta tính trong tổng học sinh với giáo viên biên chế. Song song với đó là chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa.
Bình luận