Haiyan (cơn bão số 14) là cơn bão thứ 30 hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương với vị trí ban đầu ở vĩ độ rất thấp khoảng 5-6 độ vĩ Bắc và ở tận giữa Thái Bình Dương (147-148 kinh độ Đông). Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 ngày, bão Haiyan đã mạnh từ cấp 8 lên cấp 17, cấp cuối cùng của mức cảnh báo bão.
Đứng trước tình thế này, hàng triệu bà con các tỉnh miền Trung đang cấp tập chạy đua từng phút từng giờ để chống chọi với cơn bão được dự báo có sức hủy diệt cao, có khả năng tấn công dữ dội miền Trung.
Theo tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 16h chiều nay, 09/11, vị trí tâm bão Haiyan ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Bão Haiyan đang bẻ quặt hướng lên phía bắc. Nguồn: Nchmf |
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ đêm nay có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.
Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10/11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay, các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 – 9.
Từ đêm nay, ở khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3 – 5,5 m. Sóng biển 3 – 6m, vùng gần tâm bão 8 - 10m.
Còn theo dự báo của các cơ quan khí tượng trên thế giới, bão có thể sẽ quét dọc miền Trung, qua các tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An...
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo đường đi của siêu bão Haiyan của Cơ quan Khí tượng Hải quân Mỹ. |
12h trưa 9/11, chính quyền các tỉnh miền Trung đã khẩn cấp di tản hàng chục nghìn người dân đến nơi an toàn để tránh siêu bão sắp đổ bộ. Đây được coi là cuộc sơ tán dân do bão lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua.
Hàng nghìn người dân Đà Nẵng ra biển lấy cát về chèn chống nhà cửa. Ảnh: Bửu Lân |
“Kinh quá, bão Xangshane đã khiếp rồi mà nghe dự báo cơn bão này còn kinh khủng hơn nên chẳng biết phải làm gì. Thôi cứ ra đây xúc cát về chèn chống nhà cửa cho yên tâm. Từ sáng giờ, chúng tôi huy động cả nhà, 3 chiếc xe máy để chở bao cát rồi đấy. Sợ quá”, chị Hoan, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết.
Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm phục vụ chống bão cũng tăng giá phi mã so với ngày thường. Một số mặt hàng như rau xà lách có giá 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg; cà chua 18.000-20.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg; bí đao 30.000-35.000 đồng/trái, tăng 10.000 đồng/ trái.
Không khí chống bão của người dân Đà Nẵng đã "căng" như dây đàn. Ảnh: Bửu Lân |
Tính đến 13h chiều, công tác chằng chống nhà cửa ở Đà Nẵng cơ bản đã hoàn tất. Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã sẵn sàng di dời, sơ tán cho 43.707 hộ/169.377 từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Trong đó, Đà Nẵng: 19.388 hộ/73.384 khẩu từ 56 xã, phường, Quảng Ngãi: 24.319 hộ/95.933 khẩu.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các địa phương từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có xuất hiện mưa to và kèm theo lũ. Mưa lũ đã làm chết 1 người ở Thừa Thiên - Huế (em Trần Thị Thanh Nhơn, 16 tuổi, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền bị lũ cuốn trôi trên đường đi học về); 3 người mất tích (Quảng Ngãi: 02, Khánh Hoà: 01) và làm đổ, sập, cuốn trôi: 13 ngôi cái (Quảng Ngãi: 04; Khánh Hoà: 09); 142 ngôi nhà tốc mái; 115 ngôi nhà bị ngập.
Mưa lớn cũng làm ngập 1.882 ha diện tích lúa, 172,02ha diện tích hoa màu bị úng ngập, hư hỏng.
Tại Quảng Nam, đúng 18h tối nay, tất cả người dân xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ có nhà ở không an toàn đã được chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang vận động di chuyển đến các trường học cao tầng và các trụ sở cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn để ở cho an toàn.
Nhiều người dân thành phố Tam Kỳ đã chọn khách sạn cao tầng để ở. Toàn bộ khách sạn trên địa bàn Tam Kỳ đã hết phòng từ trưa nay.
Toàn bộ khách sạn trên địa bàn thành phố Tam Kỳ đã được người dân thuê ở tránh bão. Ảnh: Khampha.vn |
Ôm trẻ nhỏ đến nơi tránh bão. Ảnh: Dân Việt |
Thời tiết tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam bắt đầu có gió và mưa, các nhà dân nằm trên các tuyến đường trong nội thị đã đóng kín cửa để tránh bão. Tuy nhiên, một vài quán cà phê vẫn mở phục vụ khách, đặc biệt là sinh viên ở lại.
Cụ bà Nguyễn Thị Lãm được người thân và lãnh đạo TP Tam Kỳ bế lên xe để đến nơi trú bão. Ảnh: Dân Việt |
Ngoài ra, còn có một số người bị thương trong lúc chằng chống nhà cửa, chặt cây phòng bão. Điển hình là trường hợp nạn nhân Phan Sỹ Tình (SN 1985, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ).
Lúc 10h sáng, trong lúc chằng chống nhà cho mẹ là bà Lê Thị Tích, anh đã bị rơi từ mái nhà với độ cao gần 5m xuống dưới đất và bị chấn thương nặng ở đầu.
Chùa Cầu của Di sản thế giới Hội An được cột, níu để đối phó với siêu bão. Ảnh: TTO |
Tại Bình Định, theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến 17h chiều 9/11, tỉnh này đã sơ tán gần 5.500 hộ với hơn 20.000 người đến nơi an toàn để tránh siêu bão Haiyan. Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết kế hoạch của tỉnh là sơ tán gần 36.000 hộ sống ven biển, tại các vùng xung yếu để tránh bão. Hiện tỉnh Bình Định đã huy động hơn 5.000 người thuộc nhiều lực lượng để hỗ trợ người dân ứng phó với siêu bão Haiyan.
Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 cũng đã tăng cường lực lượng đến Bình Định giúp địa phương này triển khai các phương án ứng phó với siêu bão, khắc phục hậu quả sau bão.
Đến chiều 9/11 vẫn còn 67 tàu cá với 521 ngư dân Bình Định nằm trong khu vực nguy hiểm của bão Haiyan. Tại Hoài Nhơn, huyện có số lượng tàu thuyền đánh cá nhiều nhất Bình Định với 2.389 chiếc, các lực lượng chức năng đã thành lập sáu tổ công tác đặc trách nhiệm vụ kêu gọi tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân neo đậu, neo buộc tàu thuyền tránh bão.
Cùng ngày, UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) cũng huy động hàng trăm người hỗ trợ sơ tán hàng ngàn người dân tại hai xã đảo Nhơn Hải, Nhơn Lý đến nơi an toàn tránh bão.
Tại Phú Yên, lực lượng bộ đội tỉnh cùng người dân làm kè tạm chống bão tại phường Phú Đông, TP Tuy Hòa.
Lực lượng bộ đội Phú Yên cùng người dân làm kè tạm chống bão tại phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Ảnh: Motthegioi.vn |
Tại Quảng Bình, siêu bão Haiyan đã gây ra gió mạnh bắt đầu vần vũ dọc ven biển của tỉnh. Đê kè sạt lở đang yếu ớt chống sức phá của những con sóng, người dân rút kinh nghiệm bão số 10 nên đã gia cố lại nhà cửa để chống bão, cá biệt nhiều gia đình đã dỡ mái nhà để tránh bị bão tàn phá…
Ảnh: Motthegioi.vn |
Nhà tốc mái có thể đã lợp lại được nhưng nhà sập thì chưa thể xây dựng vì thiếu tiền thiếu lực. Những mảnh đời ở đây như mỏng tang trong thiên tai chà đi xát lại đến thắt lòng.
Chiều 9/11, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu cùng các bộ, ngành Trung ương và Ủy Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 14 tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Chiều 9/11, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão số 14 tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TTXVN. |
Đối với các xã ven biển cần phải đưa dân ở những nơi sát biển đến nơi an toàn tránh để sóng biển dâng cao, uy hiếp. Trong đó, chú trọng đến người già, trẻ em, người tàn tật…Trong công tác sơ tán dân cần đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống. Tuyệt đối không để người dân quay trở lại nhà ở khi bão chưa qua.
15 giờ 30, có mặt tại vùng ven biển Thuận An (Thừa Thiên – Huế) chúng tôi chứng kiến cảnh chạy bão chưa từng có. Hàng ngàn người dân nơi đây thi nhau chạy bão khi trời bắt đầu tối sầm. Ảnh: PLTPHCM |
Đến 16h chiều 9/11, tỉnh Nghệ An đã di dời 4.587 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, thị xã Cửa Lò 1231 hộ; huyện Nghi Lộc 458 hộ; huyện Quỳnh Lưu 2524 hộ… Công tác sơ tán dân phải hoàn thành xong trước 19h cùng ngày. Tỉnh Nghệ An đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng bố trí 1 tàu cứu hộ loại lớn tại Cửa Lò để cứu hộ cứu nạn khi cần thiết.
Thông tin từ Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An, tính đến 14h30 ngày 9/11, tỉnh Nghệ An có 4.017 phương tiện với 20.083 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Hiện tất cả phương tiện đã đã neo đậu an toàn hoặc đang trên đường vào bờ.
Chằng chống nhà cửa. Ảnh: Gia đình Việt Nam |
Tỉnh Nghệ An chủ động sơ tán dân cư ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, hạ du các hồ chứa; vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ đạo, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; các hồ chứa có người thường xuyên túc trực và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra…
Tại Hà Tĩnh, địa phương tiến hành di dời 14.000 hộ dân với hơn 50.000 nhân khẩu tại các huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, TP.Hà Tĩnh ở vùng nguy hiểm tới nơi an toàn. Tất cả các tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn, hoặc đã nhận được thông tin về siêu bão Haiyan.
Tỉnh Thanh Hóa có 7.038 phương tiện với 23.344 lao động đang neo đậu trong các bến. Hiện còn 463 phương tiện với 1.389 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó 438 phương tiện với 1.263 lao động hoạt động gần bờ và hoạt động ở vùng biển ngoài tỉnh có 25 phương tiện, 126 lao động. Tất cả các phương tiện đều nắm được thông tin cảnh báo tình hình, hướng đi của bão Haiyan để chủ động tránh, tìm nơi neo đậu an toàn.
Trong sáng 9/11, tỉnh Thanh Hóa thành lập 13 tổ công tác đến các địa bàn trọng điểm và lên các huyện miền núi kiểm tra, phối hợp địa phương triển khai các biện pháp phòng chống siêu bão Haiyan.
Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận