• Zalo

'Bao giờ hết dịch, ba về đưa con đi chữa bệnh'

Đời sốngChủ Nhật, 05/04/2020 09:25:00 +07:00Google News

Qua sóng điện thoại chập chờn, Đại úy Thiết, người đang chống dịch Covid-19 ở biên giới, hứa với con: "Bao giờ chống dịch xong, ba lại về đưa con vào Huế chữa bệnh".

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Khi cuộc chiến với đại dịch Covid bước vào thời điểm cam go, quyết liệt thì đồng nghĩa với đó, trọng trách lại thêm phần nặng nề trên đôi vai của những người đang ngày đêm ở đầu trận tuyến chống dịch. Vì đại cuộc, nhiều người đã sẵn sàng gác lại công việc riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ.

Tạm gác việc riêng, bám biên chống dịch

Những ngày sau khi Việt Nam tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh để phòng ngừa dịch Covid-19, hai cửa khẩu La Lay và Lao Bảo tại tỉnh Quảng Trị thường xuyên đón hàng trăm công dân Việt Nam từ Lào trở về. Tại đây, mọi công tác liên quan đến kiểm soát y tế đều được làm chặt chẽ ngay từ cửa khẩu.

 'Bao giờ hết dịch, ba về đưa con đi chữa bệnh' - 1

Bộ đội Biên phòng Quảng Trị lập "vành đai sống" với nhiều chốt túc trực 24/24 giờ ở khu vực biên giới Việt Lào để phòng chống dịch Covid-19.

 

Ngoài hai cửa khẩu chính này, tỉnh Quảng Trị còn có nhiều cửa khẩu phụ cùng nhiều lối mòn tiếp giáp với nước bạn Lào. Đây là nơi người dân hai bên biên giới vẫn hay qua lại để trao đổi hàng hóa, thực phẩm hoặc qua về làm nương rẫy.

Từ khi Chính phủ có chủ trương tạm dừng nhập cảnh, việc đi lại này được kiểm soát chặt chẽ. Để ngăn người dân tự do qua lại biên giới, đề phòng dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phải lập "vành đai sống" với nhiều chốt túc trực 24/24 giờ giữa rừng sâu.

Mùa này, những chuyến tuần tra dọc biên giới thêm phần gian nan, vất vả bởi thời tiết khá khắc nghiệt. Tuy vậy, những chiến sỹ biên phòng vẫn vững chắc tay súng, bám chặt biên cương để làm tốt công tác chống dịch ngay từ vùng "phên dậu" của Tổ Quốc. Trong những chuyến đi đó, ngoài chứng kiến những khó khăn vất vả trong quá trình nhiệm vụ, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện hết sức cảm động về tấm gương và tinh thần trách nhiệm của những người lính mang "quân hàm xanh".

Các chiến sỹ biên phòng tỉnh Quảng Trị kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của Đại úy Hoàng Minh Thiết - Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Hướng Lập. Đại úy Thiết sinh năm 1987, quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau ngày tốt nghiệp ra trường thì được phân công công tác tại vùng biên giới phía Tây quê hương mình. Hơn 1 tháng qua, cùng với các đồng chí trong đơn vị, Đại úy Thiết nhận nhiệm vụ tuần tra biên giới và chốt chặn chống dịch tại địa bàn huyện Hướng Hóa.

 'Bao giờ hết dịch, ba về đưa con đi chữa bệnh' - 2

Đại úy Hoàng Minh Thiết - Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Hướng Lập.

 

Ít ai biết được, bên trong người lính mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết đang ngày đêm cùng đồng đội chống dịch ở vùng biên cũng có "những nỗi niềm riêng" khó có thể nói hết. Dù đã lấy vợ được 6 năm nay, nhưng mới đây 2 vợ chồng Đại úy Thiết mới có tin vui về chuyện con cái, lại là song thai. Thế nhưng, quá trình mang thai thì thai nhi hay gặp vấn đề về sức khỏe. Trải qua nhiều lần đấu tranh giữa lựa chọn sinh – tử, mang nặng, đẻ đau, vợ chồng Thiết cũng chào đón sự chào đời của 2 đứa con thơ kháu khỉnh: 1 trai, 1 gái.

Niềm vui chưa được bao lâu thì con trai Đại úy Thiết được chẩn đoán mang căn bệnh tim bẩm sinh. Cuối năm vừa rồi, dù công tác ở xa nhưng anh đành xin đơn vị nghỉ phép để cùng vợ đưa con vào Huế phẫu thuật. Hết phép, trong 4 tháng liên tục cứ đến ngày nghỉ cuối tuần anh lại vượt gần 200km vào Huế chăm con. Tết Nguyên đán vừa rồi, cả gia đình đều ở trong bệnh viện.

Sau ca phẫu thuật tim, mới đây vợ chồng Đại úy Thiết lại nhận tin không vui khi con trai bị biến chứng viêm phổi cấp. Dự tính sẽ đưa con vào Huế tiếp tục chữa trị nhưng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị lại cần lực lượng túc trực, bám chốt nên Đại úy Thiết đành tạm gác việc nhà, đưa vợ con tạm về xuôi để yên tâm làm nhiệm vụ.

Dù xa nhà, nhưng tranh thủ những lúc nghỉ chân rảnh rỗi, Đại úy Thiết lại gọi điện về nói chuyện động viên vợ con. Trong những lần trò chuyện đó, lời hứa hẹn với đứa con nhỏ qua sóng điện thoại chập chờn: "Bao giờ chống dịch xong, ba lại về đưa con vào Huế chữa bệnh nha…" khiến những người chứng kiến không khỏi xúc động.

"Không cần chờ hết dịch, con vẫn được chữa bệnh"

Giữa khó khăn chung trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, câu chuyện Đại úy Hoàng Minh Thiết sẵn sàng gác lại việc riêng tư để làm nhiệm vụ là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và là nguồn động viên tinh thần to lớn cho đồng đội.

Tìm hiểu thì được biết, hoàn cảnh của gia đình vợ chồng Đại úy Thiết khá khó khăn. Mọi chi phí phẫu thuật cho con, chăm lo cho gia đình đều nhờ vào đồng lương của Thiết khi vợ phải dành hết thời gian chăm hai con nhỏ vừa 8 tháng tuổi.

Thấu cảm trước tinh thần trách nhiệm của Đại úy Hoàng Minh Thiết, sau khi nghe được câu chuyện, ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp liên hệ với Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế mong có sự hỗ trợ cho gia đình để Đại úy Thiết có thể an tâm công tác.

 'Bao giờ hết dịch, ba về đưa con đi chữa bệnh' - 3

Đại úy Hoàng Minh Thiết cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới.

 

Xác nhận thông tin này, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau khi nhận được thông tin về hoàn cảnh gia đình Đại úy Hoàng Minh Thiết, Ban Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế đã liên lạc với Đại úy Thiết và gia đình đề nghị đưa cháu bé vào Huế để điều trị kịp thời.

"Đại úy Thiết cứ an tâm công tác, không cần phải chờ hết dịch, cháu vẫn được chữa bệnh. Bệnh viện Trung ương Huế sẽ chi trả toàn bộ chi phí ngoài bảo hiểm và một số hỗ trợ khác với gia đình trong quá trình cháu điều trị ở đây", Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.

Nhận được tin vui này, Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị hết sức xúc động và gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, sự hỗ trợ kịp thời của Ban Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế đối với hoàn cảnh khó khăn của cán bộ trong đơn vị.

Thượng tá Toàn chia sẻ: "Sự sẻ chia, hỗ trợ của bệnh viện Trung ương Huế với hoàn cảnh Đại úy Thiết không chỉ là sự động viên với gia đình đồng chí Thiết mà còn là động lực để những cán bộ, chiến sỹ nơi vùng biên ải nỗ lực hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đang ngày cam go, khó lường".

(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn