Bóng đá Việt Nam là điều gì đó khá lạ lẫm đối với khán giả châu Âu. Đơn giản, chất lượng chuyên môn không cao và các scandal liên quan khiến cho V-League không được phổ biến rộng rãi.
Chính vì thế, khi nhà báo Thomas Barrett của tờ The Guardian nói muốn đi xem bóng đá Việt Nam, anh đã nhận được hàng loạt cử chỉ mang tính nhạo báng từ những người bạn của mình.
"Khi tôi gọi cho 1 người bạn, nói rằng tôi muốn xem Hà Nội T&T thi đấu, anh ta ném cho tôi một cái khịt mũi nhạo báng. Khi tôi chia sẻ với một ông thợ sửa xe ở Hà Nội về vấn đề này, ông ấy lập tức lắc đầu ngán ngẩm".
"Còn người thợ cắt tóc của tôi thì cười lớn trong khi tôi rất nghiêm túc trong câu hỏi của mình. Việt Nam là một quốc gia cuồng nhiệt với bóng đá nhưng khi bạn hỏi người Việt ủng hộ đội bóng nào ở giải quốc nội, đa số họ sẽ lắc đầu" - Barrett chia sẻ.
"Người bạn của tôi ở TP.HCM dậy sớm vào buổi rạng sáng để cổ vũ Man Utd đấu với Southampton - chiêm ngưỡng Zlatan Ibrahimovic ghi bàn thắng đầu tiên ở Premier League đầy thích thú nhưng anh ta chẳng thích đội bóng nào ở giải trong nước".
Theo Barrett, V-League là một trong 3 giải đấu nhiều tai tiếng nhất thế giới với các vụ dàn xếp tỷ số nổi tiếng, lùm xùm nội bộ của các đội bóng hay mua bán trọng tài. Hàng tá cầu thủ, HLV hay các trọng tài đã bị phanh phui tội lỗi và nhiều người trong đó vẫn còn đang ngồi tù.
Phóng viên Guardian còn dẫn ra những ví dụ điển hình về sự tai tiếng của V-league với việc V.Ninh Bình, cách đây 2 năm đã phải viết đơn lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, xin phép được rời khỏi giải đấu do 13 cầu thủ của họ dính vào bê bối dàn xếp tỷ số ở giải châu Á.
Phóng viên của Guardian thuật lại trải nghiệm vào sân Hàng Đẫy xem trận đấu của Hà Nội T&T và FLC Thanh Hóa trong dòng người đông đúc mà anh mô tả giống như "đàn cá" nắm trong tay những tấm vé đơn giản được in trên giấy.
"Tôi thấy mấy con gà kêu quang quác, nhảy tránh những chiếc xe máy đang chạy tà tà quanh sân. Nhìn Hàng Đẫy, có cảm tưởng Old Trafford hay Emirates hẳn là ở thế giới khác...Những mảng tường sơn màu vàng pastel kiểu Pháp cổ đã xuống cấp và bong tróc khá nhiều vì ảnh hưởng của thời gian, thời tiết...
Tôi thấy mấy con gà kêu quang quác, nhảy tránh những chiếc xe máy đang chạy tà tà quanh sân
Sự chuyên nghiệp của V-League không được thể hiện nhiều dù giải đấu đã lên chuyên nghiệp từ năm 2000. Bên ngoài sân, la liệt các cửa hàng đồ thể thao bán hàng nhái với logo to hơn nhiều so với hàng chính hãng.
Manchester United có thể kiếm 500 triệu bảng từ bán áo đấu nhưng chắc chả thu nổi một xu từ chỗ này", Thomas Barret miêu tả.
Theo thông tin trên báo chí, các trận đấu diễn ra ở Hà Nội luôn được sự quan tâm lớn từ khán giả. Tuy nhiên, ngày Thomas Barrett đến xem, khán đài thưa thớt, vắng lặng. Các CĐV khá nhiệt tình song số lượng ít ỏi khán giả trên khán đài chỉ để lại chút dấu ấn với màn pháo sáng nhiều màu sắc.
Dưới sân cỏ, Nguyễn Quang Hải là cầu thủ được khen ngợi nhiều nhất. Thomas Barrett nói cầu thủ này có đôi chân "ma thuật".
Bên cạnh đó, ngoại binh Gonzalo Marronkle cũng được nhắc đến với những tình huống càn lướt, "như một cậu bé trung học phá tan bức tường rào nhà trường". Phút 94, Gonzalo bật cao đánh đầu dũng mãnh, ấn định chiến thắng 2-0, mang chiếc cúp vô địch cho đội bóng thủ đô.
Theo Barrett, bóng đá Việt Nam đang trong quá trình tái thiết sau những vụ lùm xùm phía bên ngoài sân cỏ và với nền tảng hiện tại, rất có thể, môn thể thao này sẽ còn phát triển hơn ở Việt Nam.
Kết lại, bài báo khẳng định V-League sở hữu nhiều tài năng thiên bẩm và không phải là không có lý do cho khán giả đến sân mỗi cuối tuần. Thomas Barrett chúc Việt Nam nhanh chóng vượt qua scandal và mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Clip: Trận đấu phóng viên Guardian đi xem chính là trận Hà Nội T&T vs FLC Thanh Hóa
Bình luận