Ở xã Tiền Hải, Thái Bình, người dân sáng tạo ra món bánh nghệ từ hai nguyên liệu quen thuộc là gạo tẻ và nghệ tươi. Cách làm cũng chẳng có gì cầu kỳ nhưng hương vị của món bánh này lại khiến thực khách nhớ mãi về sau.
Các loại bánh làm từ gạo nếp thường dẻo nên nhanh ngán và nóng ruột, người dân Thái Bình đã khắc phục nhược điểm này khi dùng gạo tẻ để chế biến bánh nghệ.
Gạo tẻ được ngâm cho mềm rồi xay thành bột. Bột phải đạt độ mềm, dẻo thì bánh khi làm xong mới ngon, dễ ăn. Công đoạn xay bột rất khó, phải là người có kinh nghiệm thì mới cho ra thành phẩm đạt yêu cầu.
Người từ phương xa đến nghe hai chữ bánh nghệ sẽ cảm thấy e dè vì sợ bánh có vị đắng và hăng của nghệ. Thế nhưng, nghệ đã được mang đi rửa sạch, luộc chín, giã lấy nước rồi mới nhào với bột. Như vậy, bánh có màu vàng ưng ý, thơm mà không hăng mùi nghệ. Đặc biệt, nghệ phải thật già mới được sử dụng, nhờ đó mà bánh có màu sắc rất đẹp.
Bột sau khi nhào với nước cốt nghệ sẽ được nặn thành hình. Hành củ, tóp mỡ, bột quế được xay nhỏ, thêm một chút nước mắm rồi mang đi hấp để làm nhân.
Người làm bánh giàu kinh nghiệm sẽ biết gia giảm làm sao cho ra phần nhân có mùi thơm nồng của nghệ và quế, vị ngậy béo của mỡ và hành khô.
Những chiếc bánh nhỏ xinh cứ thế ra đời trong bàn tay thoăn thoắt của người nặn bánh. Sau khi hấp, bánh nghệ có màu vàng rộm, thơm nồng, ăn vừa bùi vừa béo. Bánh chín thường được bán ở các khu chợ quê ở Thái Bình, ăn khi còn nóng là ngon nhất.
Không như các thức quà khác, bánh nghệ vẫn giữ nguyên cho mình một chỗ đứng tại các phiên chợ quê. Đặc biệt là vẫn giữa được nét đẹp, hương vị thơm ngon của người Thái Bình.
Bình luận