Liên quan đến việc chưa lập đông nhưng băng giá đã xuất hiện ở đình Fansipan, ngày 1/11, trả lời PV VTC News, Tiến sĩ Nguyễn Quang Toàn - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ Biển (IARMST) cho biết: "Những năm gần đây, thời điểm cuối tháng 10 đang là mùa thu, bởi vậy chưa từng xuất hiện băng giá ở các tỉnh vùng núi cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, năm nay do bắt đầu thời kỳ được dự báo là tiểu kỷ băng hà nên mùa đông sẽ đến sớm và xu thế lạnh giá, thậm chí khốc liệt hơn các năm trước".
Tiến sĩ Ngô Quang Toàn vẫn giữ quan điểm đã từng trả lời báo chí cho rằng: "Những phát biểu Trái Đất đang nóng lên chỉ trò lừa đảo cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ thứ 21. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khí tượng đã cảnh báo, từ năm 2014 trở đi Trái Đất sẽ trải qua thời kỳ băng giá mới. Tôi cho rằng những thông tin này là hoàn toàn có cơ sở".
"Lâu nay người ta luôn đồn đoán băng ở Bắc cực tan ra là Trái Đất đang nóng lên nhưng không để ý băng ở Nam cực đang ngày một dày hơn. Từ năm 2010 trở đi, tuyết đã rơi ở vùng Đông Âu, vùng Bắc Mỹ hết đợt này đến đợt khác, dày lên đến 5m. Bên cạnh đó, tuyết cũng rơi ở sa mạc Sahara (một vùng cận xích đạo nhưng cũng có tuyết rơi - PV), Tiến sĩ Toàn nói.
Theo phân tích của Tiến sĩ Ngô Quang Toàn, hiện tượng băng giá xuất hiện vào cuối thu ở Fansipan là quy luật tự nhiên, bình thường của Trái Đất khi quay xung quanh Mặt Trời. Trong giai đoạn sắp tới, xu thế chung là Trái Đất tiếp cận đến một thời kỳ băng hà. Bởi vậy, khí hậu từ mát chuyển sáng lạnh nhiều hơn.
"Tôi dự đoán mùa đông năm nay sẽ đến sớm hơn và có xu hướng kéo dài ra. Khả năng, mùa đông năm nay sẽ lạnh nhất so với 100 năm trở lại đây", Tiến sĩ Toàn khẳng định.
Để chứng minh cho nhận định trên của mình vị Tiến sĩ đưa ra những ví dụ: Ngày 21/6/2017, người dân ở đất nước Nga ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng tuyết rơi giữa mùa hè. Cách đó không lâu, tuyết trắng cũng đã rơi ở nhiều tỉnh của Trung Quốc. Hiện tượng tuyết rơi trắng trời giữa mùa hè khiến người dân Trung Quốc tỏ ra ngạc nhiên và hoang mang, lo sợ.
Hàng năm, ở Việt Nam, tuyết chỉ rơi ở Sapa hoặc ở đỉnh Mẫu Sơn. Thế nhưng, năm 2016 tuyết đã rơi ở Ba Vì, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa và cả Nghệ An.
Đặc biệt, năm nay bão không nhiều nhưng rất mạnh, mưa không nhiều nhưng rất lớn. Những cơn lũ cuồn cuộn cuốn sạch đất đá vùi lấp gây ngập lụt nhiều vùng, đó cũng là một biểu hiện sự chuyển giao thời tiết giữa nóng và lạnh.
Trước đó như VTC News đã đưa tin, sáng 31/10, mạng xã hội xuất hiện một số bức ảnh ghi lại hình ảnh nước đọng thành băng giá trên cành cây, nhà ga cáp treo trên đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai). Một số người thích thú đã bẻ những tảng băng nhỏ hình lưỡi kiếm ở khu vực nhà ga để chụp ảnh.
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai cho biết, nhiệt độ sáng 31/10 ở thị trấn Sa Pa (cao 1.570 m so với mực nước biển) là hơn 8 độ C.
Tính từ chiều cao của thị trấn Sa Pa, trung bình cứ lên cao 100 m, nhiệt độ sẽ giảm 0,6 độ C. Đỉnh núi Fansipan có độ cao 3.143 m so với mực nước biển. Tính theo công thức này cho thấy, nhiệt độ sáng 31/10 tại đỉnh Fansipan xuống dưới 0 độ C.
Theo phân tích của ông Hải, khí lạnh biến tính tác động gây hiện tượng trời quang mây vào ban đêm, bức xạ nhiệt mặt đất lớn khiến nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C thì sẽ xuất hiện lớp băng.
Video: Cận cảnh băng giá trong suốt, bao phủ cây cỏ trên đỉnh Fansipan
Bình luận