(VTC News) - Chợ bây giờ có đủ món chế biến cầu kỳ như cá kho, mắm tép chưng thịt, nem (chả giò) các loại, chân giò hun khói... phục vụ nhu cầu ăn ngon nhưng lại ít thời gian chế biến của cư dân đô thị. Nhưng điều lo ngại nhất là an toàn, vệ sinh thực phẩm liệu có đảm bảo?
Gia đình chị Thương Nghĩa ở tận Cổ Nhuế nhưng do “kết” món nem hải sản được coi là đặc sản của chợ Kim Liên – Hà Nội nên chị thường xuyên là khách hàng “ruột” của chợ này. Nem có vị của nhiều loại hải sản lại ngậy ngậy vị sốt mayone rất hợp khẩu vị của các bé con chị mà giá cả lại phải chăng.
Thế nhưng, gần đây chị bắt đầu hạn chế mua loại nem làm sẵn này do một lần con chị sau khi ăn nem đã phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. Thay vì mua nem ở chợ, chị cất công mua thực phẩm về chế biến và làm tại nhà. Nhưng do làm nem khá cầu kỳ và mất thời gian nên tần suất ăn món này của gia đình chị giảm. “Ăn ít mà an toàn còn hơn ăn nhiều mà nơm nớp lo hậu quả”- chị Nghĩa khẳng định.
Theo một báo cáo mới đây của ngành chức năng tại TP.HCM, trên 80% thực phẩm chế biến sẵn đang bán tại các chợ bị nhiễm vi sinh và 100% thực phẩm cần độ dai, giòn có sử dụng hàn the. Quả là con số đáng giật mình đối với các bà nội chợ vốn tâm huyết với việc chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Điều đáng nói, thói quen lựa chọn thực phẩm bằng mắt của người tiêu dùng đã góp phần tiếp tay cho việc sử dụng phẩm màu, hóa chất trong chế biến thực phẩm.
Tại chợ Nghĩa Tân ngay nội thành Hà Nội, người ta đã chế biến cả chậu giả cầy đặt ngay trên lối đi vào chợ, với nườm nượp xe cộ qua lại, nhưng mang ra chậu nào là hết sạch chậu đó, chứng tỏ người dân chưa hề yêu cầu cao về chất lượng vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, đây mới là một phần của bức tranh thực phẩm chế biến sẵn. Không chỉ có chất phụ gia, nguyên liệu để chế biến các loại thực phẩm này cũng là điều đáng bàn. Có mục sở thị các lò mổ lợn hay cơ sở chế biến giò chả mới thấy hết tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong một đợt kiểm tra các lò mổ mới đây tại TP Hà Nội, ông Phạm Văn Đông, Cục phó Cục Thú y đã phải ngao ngán lắc đầu vì các lò mổ quá mất vệ sinh. Con lợn được cắt tiết, làm lông ngay dưới sàn nhà, thịt lẫn với lông, phân, nước thải bẩn dễ bị nhiễm các loại vi sinh, thế nhưng vẫn được cấp giấy kiểm dịch đưa ra thị trường. Dư luận thời gian qua cũng từng rúng động bởi công nghệ làm thịt lợn từ ôi thiu trở nên tươi ngon. Vậy có ai đảm bảo nguyên liệu thịt lợn để làm các loại mắm tép chưng thịt, giò, chả, nem ... là loại thịt sạch.
Một trong những nguyên liệu không thể không kể đến là các loại dầu ăn dùng để chiên rán khoai tây, đậu phụ hay chim quay, gà quay. Không khó để bắt gặp những can đựng dầu ăn tại các cửa hàng bán đồ chiên rán ăn sẵn có màu ngà sẫm, nổi váng, có khi đã đen kịt vì được dùng đi dùng lại nhiều lần.
Thế nhưng rất nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn mua khoai tây chiên hay gà rán cho con ăn với lập luận vừa tiện vừa rẻ. Trong khi đó theo các chuyên gia dinh dưỡng, các loại thực phẩm chế biến sẵn dùng dầu chiên đã bị hydrro hóa sẽ tạo ra chất trans fat- loại chất béo có mức độ nguy hiểm hơn cả chất béo bão hòa nguy hại nhất. Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) đã khuyến cáo cơ thể chỉ nên nạp tối đa mỗi ngày khoảng 3g trans fat.
Nếu mức dung nạp chỉ tăng đến 3,6g/ngày thì đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên gấp 3 lần so với người có mức dung nạp trong mức cho phép. Thế nhưng hiện trên thị trường cũng lưu hành khá nhiều sản phẩm có thể chứa chất béo chuyển hóa này mà không ghi thành phần trans fat trên nhãn hàng hóa. Điều này đã minh chứng tại sao những năm gần đây các bệnh tim mạch đang trở thành phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trong danh sách thực phẩm chế biến sẵn ở các chợ bây giờ có thêm cua xay, thịt bò thái sẵn, thịt lợn xay... được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn vì tiết kiệm được nhiều thời gian chế biến. Thế nhưng, bằng mắt thường cũng thấy hầu hết các sản phẩm này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngay trong quá trình sơ chế.
Vì điều kiện ở chợ thiếu nước và môi trường ô tạp nên việc vệ sinh trước sơ chế được làm rất đơn sơ. Chẳng hạn như thịt, cua trước khi đưa vào máy xay chỉ được người bán hàng nhúng qua nước, trong khi ai cũng biết trước khi sơ chế những loại thực phẩm này phải được rửa nhiều lần dưới vòi nước, nhất là cua vốn nhiều bùn đất. Chiếc máy xay thịt, cua cũng không đảm bảo vệ sinh bởi nó được dùng đi dùng lại nhiều lần mà không hề được lau rửa tạo môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển.
Môi trường tại các chợ cũng là điều đáng bàn trong bức tranh thực phẩm chế biến sẵn. Ai cũng biết, môi trường chợ búa thường bị ô nhiễm nặng nề. Rác lưu cữu từ phiên này đến phiên khác, hàng rau, thịt đồ tươi sống và thực phẩm chế biến chín bày bán đan xen, chưa kể bụi bốc mù mịt bởi lưu lượng người đi lại lớn trong khi hầu hết các thực phẩm hoặc không được che đậy hoặc chỉ được che đậy đơn sơ. Hầu hết người bán hàng tại các chợ không dùng các trang bị bảo hộ như áo, găng tay khi lấy đồ cho khách...
Theo số liệu của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế, trong năm 2011, cả nước có 142 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.500 người mắc trong đó hơn 80% phải đi viện. Nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm là vi sinh vật chiếm 28,1%.
Mặc dù mỗi khi nhắc đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hầu hết mọi người đều “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra bởi thực phẩm chế biến sẵn mất vệ sinh mà nguyên nhân lớn nhất là do người bán hàng vì lợi nhuận đã bất chấp tính mạng của khách hàng để bán đồ ôi thiu và không nguồn gốc xuất xứ.
Câu chuyện về mất vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ còn tiếp diễn khi ý thức của người bán hàng không được nâng lên và người tiêu dùng thì vì tiếc thời gian công sức mà rước về bệnh tật bởi thức ăn sẵn không nguồn gốc và chế biến, bảo quản mất vệ sinh. Điều này sẽ được biến chuyển dần, nếu yêu cầu về vệ sinh thực phẩm của chính những người mua được nâng cao. Mong lắm thay.
Quang Hưng
Bình luận