Minh chứng rõ nhất là ở trận đấu với Cần Thơ trong khuôn khổ lượt trận 16 V-League diễn ra hôm 2/7 vừa qua, CĐV đất Cảng đã nườm nượp kéo tới sân vận động Cần Thơ để cổ vũ cho đội nhà. Lực lượng an ninh sân đã bất lực trong việc ngăn cản CĐV Hải Phòng, dù trước đó đã có văn bản hướng dẫn từ BTC Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
Trong cuộc “đấu lý” giữa đôi bên, CĐV Hải Phòng đã dựa vào những điểm thiếu chặt chẽ trong văn bản kỷ luật của VFF hôm 27/6, do Trưởng ban Nguyễn Hải Hường ký, để vặn lại BTC sân Cần Thơ.
Rốt cuộc, Cần Thơ đã phải nhờ tới cả tiếng nói của CĐV Trần Văn Hoàn (ông Hoàn “say”), một CĐV nổi tiếng ở Hải Phòng, mới ổn định được trật tự. Tuy nhiên trận đấu của Cần Thơ với Hải Phòng vẫn bị hoãn tới 30 phút. CĐV Hải Phòng sau đó vẫn mặc nhiên cổ vũ cho đội nhà, như chưa từng có án phạt của VFF.
Hôm qua, một số nơi dẫn lời Trưởng ban Nguyễn Hải Hường cho biết, án phạt của VFF chỉ phạt “hooligan, những người vào sân mà quậy phá chứ không xem bóng đá”, chứ không phạt Hội CĐV Hải Phòng. Theo ông Hường, những người vào xem bóng đá vẫn được mua vé bình thường, không ai bị cấm.
Tuyên bố này của ông Hường có thể xem như một sự thừa nhận thất bại của văn bản kỷ luật nói trên, do chính ông ký. Thật khó xác định trong số các CĐV Hải Phòng mua vé vào sân, người nào sẽ quậy phá, đốt pháo sáng, ném chai lọ xuống sân…và những người nào không.
Ở trận đấu của Hải Phòng với CLB Hà Nội hôm 27/6, CĐV Hải Phòng cũng chỉ gây rối, đốt pháo sáng sau khi đã an vị trong sân vận động quốc gia Mỹ Đình, và vì hành vi này mới dẫn tới án phạt do Ban Kỷ luật VFF đưa ra.
VFF không thể cứ đùa dai
Năm 2009, ông Nguyễn Hải Hường từng ký án phạt tương tự, cấm CĐV Hải Phòng tới sân khách trong các trận đấu của đội nhà vì lỗi đốt pháo sáng, gây rối. Tuy nhiên, BTC các sân sau đó vẫn bất lực trong việc ngăn người hâm mộ đất cảng mua vé, vào sân.
Video: CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng cả ở ngoài sân Lạch Tray
Được biết trước trận đấu với CLB Hải Phòng, BTC sân Cần Thơ đã rất lúng túng, không biết thực thi án phạt của VFF ra sao. Lý do bởi án “cấm CĐV Hải Phòng”, nên BTC sân không biết bố trí khu vực của CĐV đội khách ra sao, có được bố trí hay không. Rốt cuộc thì sự việc diễn ra sau đó như trên. Gần như chắc chắn, BTC các sân khác khi tổ chức trận đấu với Hải Phòng cũng sẽ đối diện với tình trạng tương tự.
Vấn đề không chỉ bởi tiền lệ năm 2009 cho thấy tính khả thi rất thấp của án phạt trên. Nhiều ý kiến phân tích đã chỉ ra, Ban Kỷ luật VFF đã “đánh” không trúng đối tượng, và sai về phương pháp. Tại nhiều giải đấu, BTC các sân buộc phải đảm bảo an ninh, an toàn cho các trận đấu.
Nếu an ninh kém, BTC sân sẽ chịu án phạt tương ứng với vụ việc xảy ra. Lực lượng an ninh sân khi đó có trách nhiệm xác định các đối tượng gây rối để áp dụng chế tài cần thiết, như trục xuất khỏi sân, hoặc thậm chí cấm đến sân vĩnh viễn. EURO 2016, nước chủ nhà Pháp đã trục xuất rất nhiều hooligan từ Anh, Nga…vì quậy phá ở các trận đấu.
Phạt theo kiểu của Ban Kỷ luật VFF, vừa thiếu chặt chẽ và không khả thi, đồng thời CĐV Hải Phòng cũng có lý do để phản ứng lỗi người này, nhưng phạt lan sang cả người khác là “ngồi trên luật”. Đấy là chưa kể, không BTC sân nào lại muốn trận đấu diễn ra vắng khán giả, vừa buồn vừa thất thu. CĐV Hải Phòng thì đông.
Phạt vậy, chẳng trách dư luận nói ông Nguyễn Hải Hường và Ban Kỷ luật VFF là những người thích đùa dai!
Bình luận