• Zalo

Tìm HLV trưởng cho tuyển Việt Nam: VFF chọn châu Á hay châu Âu?

Bóng đá Việt NamThứ Sáu, 12/04/2024 13:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang cân nhắc chọn HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia từ nhiều ứng viên châu Á và châu Âu.

Trên bàn của Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn là bản danh sách gồm hơn 10 ứng viên và chia làm 2 trường phái rõ ràng giữa vào quốc tịch: châu Á và châu Âu. Bóng đá Việt Nam nhiều năm qua từng thành công và thất bại với với các huấn luyện viên tứ phương, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Bồ Đào Nha, Áo, Brazil...

Phương án nào mới nên được ưu tiên trong bối cảnh đội tuyển quốc gia ở giai đoạn chạm đáy?

Huấn luyện viên châu Âu bất lợi

Hãy bắt đầu từ người châu Âu gần nhất dẫn dắt đội tuyển Việt Nam - ông Philippe Troussier. Nhà cầm quân người Pháp thậm chí còn có rất nhiều lợi thế trước khi nhận công việc.

Ông Troussier từng thành công với bóng đá Nhật Bản, có thất bại khi dẫn dắt Qatar hay Trung Quốc. HLV có biệt danh "phù thủy trắng" còn từng làm việc tại trung tâm bóng đá PVF và dẫn dắt U19 Việt Nam.

Các HLV châu Âu không có duyên với bóng đá Việt Nam.

Các HLV châu Âu không có duyên với bóng đá Việt Nam.

Khi huấn luyện viên sinh năm 1955 phải nhận thất bại cay đắng, người hâm mộ cũng dễ dàng trở thành chuyên gia để "mổ xẻ" công việc của ông Troussier. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, các huấn luyện viên châu Âu trải qua thời gian làm việc không mấy suôn sẻ khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Huấn luyện viên người Đức Karrl Heinz Weigang kết thúc hợp đồng với VFF sau vụ việc lùm xùm ở Tiger Cup 1996.

Bất chấp thành công trước đó tại SEA Games 18, đội tuyển Việt Nam chơi bất ổn. Ông Weigang không kiêng nể và hỏi thẳng một nhóm ngôi sao khi ấy rằng: "Các anh bán trận này được bao nhiêu tiền"?

Cho dù có giành huy chương đồng năm ấy, ông Weigang dĩ nhiên khó có thể tiếp tục công việc.

HLV Colin Murphy (người Anh) dẫn dắt đội tuyển Việt Nam chưa đầy nửa năm. Chiến lược gia này kiên định với cách đá bám biên, tạt bóng điển hình của xứ sương mù.

Đội tuyển Việt Nam được thay đổi về tư duy chơi bóng nhưng nhìn chung đây không phải phương án phù hợp. Khi các ngôi sao bị gạt bỏ khỏi đội hình, nếu đội tuyển không thành công, người phải ra đi chính là HLV trưởng.

Ông Calisto là huấn luyện viên châu Âu thành công nhất với bóng đá Việt Nam.

Ông Calisto là huấn luyện viên châu Âu thành công nhất với bóng đá Việt Nam.

Kể từ năm 2000 đến 2011, bóng đá Việt Nam xoay quanh 2 thầy ngoại châu Âu là Henrique Calisto (Bồ Đào Nha) và Alfred Riedl (Áo). Nhìn chung, các HLV này làm tốt công việc được giao nhưng không thay đổi nhiều bộ mặt của đội tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, họ vẫn được xem là những người thành công, ông Calisto vô địch AFF Cup 2008, HLV Riedl là vua về nhì nhưng cũng giúp đội tuyển Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup 2007.

HLV Falko Goetz đến và đi chóng vánh. Nhà cầm quân người Đức chỉ kịp dẫn đội tuyển Việt Nam 3 trậ và rời đi sau thất bại với đội U23, để lại tranh cãi lớn về vai trò của Hội đồng HLV Quốc gia. Các thành viên trong hội đồng bức xúc bởi họ không tham vấn, bổ nhiệm ông Falko Goetz nhưng lại "bị" trao quyền sa thải ông thầy người Đức.

Tựu trung lại, các HLV châu Âu vẫn có những nét khác biệt nhất định về văn hóa khiến họ không dễ dàng thích nghi được với điều kiện của bóng đá Việt Nam.

Đội Thanh Hóa dường như "mát tay" với thầy ngoại nhưng cũng chỉ thành công khi chọn các HLV đến từ Đông Âu như Ljubomir Petrovic, Stanislav Tanasijevic (Serbia) hay Velizar Popov (Bulgaria). Họ nhận trái đắng khi tin tưởng HLV Marian Mihail (Romania). 

Trong danh sách ứng viên của đội tuyển Việt Nam lúc này vẫn có các HLV châu Âu như Roberto Donadoni, Velizar Popov hay Alexandre Polking. Tuy nhiên, VFF hẳn sẽ phải đặc biệt cẩn trọng khi trao gửi niềm tin cho triết lý bóng đá phương Tây.

HLV châu Á có đảm bảo thành công?

Trong khoảng 30 năm qua, đội tuyển Việt Nam thực chất chỉ sử dụng 2 HLV ngoại đến từ châu Á là Park Hang Seo (Hàn Quốc) và Toshiya Miura (Nhật Bản). Ông Park chắc chắn là nhà cầm quân thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. 

HLV Park Hang Seo đạt được nhiều thành tựu.

HLV Park Hang Seo đạt được nhiều thành tựu.

Khi chuyến bay đưa ông Park từ Hàn Quốc sang Việt Nam cuối năm 2017 hạ cánh, không nhiều người kì vọng vào một HLV bị xem là hết thời. Đến Việt Nam được xem là cơ hội cuối cùng với cựu trợ lý của đội tuyển Hàn Quốc. Phần còn lại chính là lịch sử. 

Vậy đâu là điểm mạnh nhất của HLV Park Hang Seo, giúp ông thành công? Câu trả lời nằm ở yếu tố "đắc nhân tâm" và biết thích nghi với thời cuộc hơn là chuyên môn thuần túy. Về cơ bản, chiến thuật mà ông Park Hang Seo xây dựng không đặc biệt. Nhưng cách mà chiến lược gia này vận dụng nhân sự mình có, thổi ngọn lửa tinh thần cho học trò mới là chìa khóa mở ra sự khác biệt.

Cũng nhờ thành công của HLV Park Hang Seo mà các ứng viên châu Á bỗng chiếm ưu thế với đồng nghiệp châu Âu trong cuộc đua đến vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Nhưng đừng quá tự tin với các phương án Á Đông. Bởi, bóng đá Việt Nam cũng chứng kiến không ít thất bại của các HLV Nhật Bản hay Hàn Quốc.

HLV Toshiya Miura - người được Liên đoàn bóng đá Nhật Bản giới thiệu nhanh chóng đối diện thử thách sau tuần trăng mật ở ASIAD 17. Trở lại đấu trường SEA Games và AFF Cup, đội tuyển quốc gia hay đội U23 đá không đẹp và cũng... không thắng. Ông Miura bị sa thải rồi tiếp tục thất bại khi được trao cơ hội ở CLB TP.HCM.

HLV Miura thất bại cay đắng.

HLV Miura thất bại cay đắng.

Tương tự như vậy, HLV Gong Oh-kyun với tín hiệu tích cực khi dẫn dắt U23 Việt Nam được thử sức ở CLB Công an Hà Nội. Ông không thắng trận nào tại V.League và phải ra đi với nhiều tranh cãi.

Hà Nội FC từng thừa nhận sai lầm khi chọn HLV Park Choong-kyun. Đồng hương Chun Jae-ho của ông này được trao vị trí tạm quyền.

Dù vô địch V.League nhưng dấu ấn của ông Chun quá nhạt nhòa và HLV này mất việc khi mùa giải kết thúc. CLB Thể Công Viettel mắc sai lầm với cả 2 "thầy" Hàn Quốc là Lee Heung-sil và Bae Ji-won.

Trao đổi với VTC News, một ủy viên Ban Chấp hành VFF khóa IX nói: "Việc chọn huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này. Thực ra, lãnh đạo VFF rất cầu thị khi thông qua nhiều kênh thông tin để kiểm tra về các ứng viên. Không có chuyện VFF sẽ đặt niềm tin tuyệt đối vào ai chỉ với một bản lí lịch đẹp.

Không có một lằn ranh cụ thể nào cho việc chọn HLV phải là người Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Như anh Trần Anh Tú (Phó chủ tịch VFF - PV) đã nói, tất cả phải phỏng vấn và chuyện HLV thích nghi được các điều kiện đặc biệt của bóng đá Việt Nam mới là quan trọng. Dĩ nhiên, các HLV châu Á có đôi chút lợi thế dựa trên tiêu chí này".

Dự kiến, VFF sẽ hoàn tất việc lựa chọn HLV trưởng đội tuyển quốc gia vào tháng 5. Nhưng có lẽ, các nhà quản lý bóng đá chẳng cần vội vàng. HLV nội cũng có thể tạm quyền dẫn dắt đội tuyển trong 2 trận đấu cuối cùng tại vòng loại World Cup 2026. Hãy cứ lựa chọn HLV thật kĩ càng, châu Á hay châu Âu cũng được, miễn là đội tuyển phải bước ra khỏi vũng lầy.

Bình luận
vtcnews.vn