Sau khi ông Troussier kết thúc hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), nhiều ý kiến cho rằng một số thầy nội có khả năng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Chính HLV Velizar Popov - một ứng viên thay thế ông Troussier cũng cho rằng nhiều đồng nghiệp Việt Nam xứng đáng có cơ hội.
HLV Chu Đình Nghiêm, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Anh Tuấn là những người có thành tích, để lại dấu ấn trong những năm vừa qua. Nhưng liệu rằng họ có sẵn sàng với vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia?
Áp lực quá lớn
Ông Chu Đình Nghiêm là người được nhắc đến nhiều nhất cho vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Nhà cầm quân quê Thanh Hóa chứng minh được năng lực của mình trong cả màu áo Hà Nội FC lẫn Hải Phòng. Bất kể đội bóng nào ông Nghiêm dẫn dắt đều trình diễn lối chơi đẹp mắt, hiệu quả. Những danh hiệu vô địch V.League, cúp Quốc gia là minh chứng cho trình độ của HLV Chu Đình Nghiêm.
Những lựa chọn khác như HLV Hoàng Anh Tuấn hay HLV Nguyễn Đức Thắng đều có ưu thế riêng. Ông Thắng xây dựng các đội bóng có tính căn cơ, hiệu quả. Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn đưa U20 Việt Nam dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử bằng một lối chơi đầy thực dụng. Các đội bóng ông Tuấn dẫn dắt không hào hoa nhưng biết cách giành chiến thắng và tìm đến danh hiệu.
Trả lời VTC News, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận định: "Tất cả đánh giá về việc HLV nội này, HLV nội kia có thể dẫn dắt đội tuyển Việt Nam chỉ là cảm tính thôi. Về mặt chuyên môn, khó lòng khẳng định thước đo nào là chuẩn. Các HLV nội hiện nay hầu như chưa làm đội tuyển, chủ yếu làm ở câu lạc bộ. Ở cấp độ CLB cũng có cái khó, thành tích của HLV cũng cần được ghi nhận.
Thậm chí, đội tuyển vẫn có điều kiện thuận lợi nhất định để các HLV nội có thể phát huy. Tuy nhiên, đội tuyển quốc gia vẫn có sự khác biệt. Ở cấp độ CLB, áp lực chỉ dừng ở vài nghìn và vài chục nghìn, cùng lắm là trăm nghìn khán giả. Nhưng ở đội tuyển quốc gia, đó là hàng triệu người. Sự khác biệt là quá lớn".
Bất kể ai tiếp quản vị trí của ông Troussier đều phải đối diện với áp lực tinh thần rất lớn. Thậm chí, sự ảnh hưởng của dư luận với HLV nội rõ ràng còn lớn hơn, bởi họ có thể tiếp tục với cổ động viên hằng ngày. Trong quá khứ, đây là điều mà các nhà cầm quân như ông Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Văn Sỹ, Phan Thanh Hùng hay gần nhất là Nguyễn Hữu Thắng đều phải chịu đựng.
"Áp lực kiểu của bóng đá Việt Nam có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người trong cuộc. Nếu HLV trưởng là người Việt Nam rồi vợ con họ và gia đình cũng phải chịu áp lực kinh khủng nếu công việc không thuận lợi", chuyên gia Ngô Quang Tùng phân tích.
Sử dụng HLV nội trong ngắn hạn
Khi được hỏi về người thay thế HLV Troussier, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Trần Anh Tú khẳng định rằng HLV nội vẫn có cơ hội. Tuy nhiên, ông Tú cũng nhấn mạnh rằng phương án HLV nội tạm quyền trong 2 trận đấu vào tháng 6 được ưu tiên hơn.
Quyết định này hợp lý bởi HLV nội khó có thể chịu đựng áp lực trong thời gian dài. Bổ nhiệm trong ngắn hạn là phương án sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu.
Đầu tiên, VFF sẽ có thêm thời gian để lựa chọn HLV ngoại cho đội tuyển Việt Nam. Nếu người kế nhiệm quá vội vàng nắm đội tuyển trong 2 trận đấu gặp Philippines và Iraq, áp lực sẽ tăng lên nếu họ nhận thất bại. Có một HLV nội được dẫn dắt đội tuyển quốc gia cũng là cách tạo động lực cho các nhà chuyên môn trong nước tiếp tục phấn đấu, trau dồi năng lực.
Thực tế, HLV nội phải đánh đổi nhiều thứ nếu dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Trường hợp của HLV Nguyễn Hữu Thắng là ví dụ tiêu biểu. Sau thất bại tại SEA Games 29, ông Thắng gần như biến mất và không thể trở lại với nghiệp cầm quân suốt nhiều năm qua. Cái tên Nguyễn Hữu Thắng bị gắn mác cho thất bại.
Ngoài ra, tình hình thực tế của bóng đá Việt Nam không mấy thuận lợi. Sau giai đoạn thành công của HLV Park Hang Seo, sức mạnh của đội tuyển Việt Nam sa sút đáng kể. Thế hệ "vàng" hiện nay không có phong độ cao, các cầu thủ trẻ lại chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Chưa kể, kì vọng về thành tích của người hâm mộ còn vượt xa năng lực thực tế của đội tuyển Việt Nam. Thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam còn không giữ được vị thế tuyệt đối ở Đông Nam Á chứ đừng nói đến giấc mơ World Cup.
Bình luận viên Quang Tùng nói: "Theo tôi, nếu ngắn hạn thì có thể tin tưởng HLV nội được, ví dụ 2 trận đấu trong tháng 6. Đây là trường hợp của anh Hoàng Anh Tuấn. Khi kì vọng chạm đáy, người bắt đầu lại với vai trò tạm quyền thì áp lực không quá lớn. Người này có thể chọn nhân sự và làm như thế nào.
Nếu bắt đầu sau một chu kì thành công, huấn luyện viên nội mà nhận việc thì không tránh khỏi chỉ trích. Nếu họ giữ bộ khung cũ thì sẽ bị nói thiếu sáng tạo. Nếu đưa người mới vào mà không thành công thì bị nói là thiếu chuyên môn. Áp lực đủ đường cho các thầy nội".
Quyết định về vị trí tạm quyền của đội tuyển Việt Nam sẽ phụ thuộc không ít vào kết quả của HLV Hoàng Anh Tuấn ở vòng chung kết U23 châu Á 2024. Nếu U23 Việt Nam chơi tốt và để lại dấu ấn, ông Tuấn hoàn toàn xứng đáng với cơ hội ở đội tuyển quốc gia.
Bình luận