• Zalo

Băn khoăn của người bán hàng online

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Bảy, 18/11/2023 21:49:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hàng thật và có chất lượng không thể 'đọ' nổi hàng giả, hàng nhái khi mà hình ảnh và thông tin không khác gì nhau.

Ông L.V.L - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản về bán trên sàn TMĐT băn khoăn: “Trên sàn TMĐT hiện có một số nhà bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc họ cũng bán những sản phẩm mỹ phẩm cùng loại như công ty chúng tôi, nhưng giá lại rẻ hơn nhiều khiến sản phẩm của chúng tôi không thể cạnh tranh nổi.

Không riêng mặt hàng mỹ phẩm mà một số sản phẩm khác, như ốp lưng điện thoại di động giá bán trên sàn TMĐT cũng chỉ có 25.000 đồng, với giá này chắc chắn các doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh được”.

Bán hàng online ngày càng thịnh hành, kéo theo nhiều nguy cơ cho cả người bán lẫn người mua. (Ảnh minh hoạ)

Bán hàng online ngày càng thịnh hành, kéo theo nhiều nguy cơ cho cả người bán lẫn người mua. (Ảnh minh hoạ)

Thực trạng đó cho thấy, việc loạn giá cả cũng như nguồn gốc xuất xứ trên “chợ” online khiến người dùng lẫn người bán hàng chính hãng không khỏi hoang mang. 

Ông Quách Nhi - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tiki (sàn TMĐT Tiki) cho biết: “Qua khảo sát của Tiki cho thấy lo ngại lớn nhất của người dùng khi mua hàng trực tuyến, đó là chất lượng hàng hóa không đảm bảo. người tiêu dùng lo ngại mua phải hàng giả, hàng nhái, đặc biệt người bán hàng là cá nhân, không phải doanh nghiệp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bán hàng chính hãng”.

Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng lậu trên TMĐT hiện nay của cơ quan chức năng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, TikTok… do việc tạo lập tài khoản bán hàng trên các nền tảng này các đối tượng thường sử dụng thông tin giả, cơ quan chức năng rất khó xác định đối tượng vi phạm và nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý.

Hàng hóa giao dịch thường thông qua các đơn vị vận chuyển độc lập như Grab, Bee, Giao hàng nhanh... với số lượng ít nên khó phát hiện.

Về phía sàn TMĐT, đơn vị kinh doanh trên sàn chủ yếu là doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, người tiêu dùng than phiền các sàn TMĐT mở ra, nhưng hầu như không quan tâm đến hoạt động giao dịch cuả người mua - người bán trên sàn.

Bà Lê Thị Phượng Diễm - Đại diện Công ty TNHH 1 thành viên Trái Dừa (quận 11) chia sẻ, doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT Shopee mặt hàng quạt máy. Mặc dù hàng hóa đóng gói có dán tem hàng dễ vỡ, nhưng trong quá trình vận chuyển, thùng hàng thường biến dạng móp méo, hư hỏng bên trong, thậm chí có khi bị đánh tráo bằng... cục gạch.

Trong những trường hợp như vậy, phần thiệt luôn thuộc về bên bán hàng. Trong khi đó, hợp đồng được ký giữa nhà bán hàng với đơn vị vận chuyển thông qua sàn TMĐT. Với những bất cập trên, doanh nghiệp muốn phản ánh đến sàn nhưng không được, vì sàn TMĐT Shopee đã ẩn luôn nút khiếu nại của nhà bán hàng.

Mặc khác, sàn TMĐT chỉ là nơi để giới thiệu sản phẩm, còn việc đóng gói sản phẩm để giao cho khách hàng được thực hiện tại kho hàng của người bán. Trong khi đó, sàn TMĐT gần như không quan tâm đến người bán trên sàn, cùng với việc không kiểm soát được đơn vị vận chuyển, dẫn đến hàng bị đánh tráo chính là kẽ hở của các sàn TMĐT, không ngoại trừ hàng giả, hàng lậu, hàng cấm… bị tráo đổi trong quá trình hàng vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Ông Phạm Xuân Việt - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục QLTT TP.HCM nêu thực trạng hiện nay: Nghị định 52 quy định, phía sàn TMĐT phải tự rà soát, tự thống kê, tự có phân loại và tự có cơ chế ngăn chặn dấu hiệu hàng hóa vi phạm.

Song song đó, có cơ chế phối hợp khi cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin những đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên sàn, để từ đó thẩm tra xác minh đối tượng và nơi chứa trữ hàng hóa (nếu có) để xử lý. Tuy nhiên, khi có phản ánh của người tiêu dùng, cơ quan QLTT liên hệ đề nghị các sàn TMĐT cung cấp thông tin, nhưng họ cung cấp thông tin rất sơ sài, rất khó để xác minh.

Cuối cùng, Cục có văn bản thông báo đến sàn TMĐT để lọc những đối tượng đó, chứ thực tế không xử lý được do không xác định được đối tượng vi phạm, cũng không xác định được hàng hóa vi phạm để xử lý. “Vì vậy, cơ quan chức năng rất cần sự phối hợp của các sàn TMĐT để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính”, ông Việt nói.

Mi Vi
Bình luận
vtcnews.vn