• Zalo

Bán hàng tạp hóa cũng trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ ở Trung tâm Tâm Việt

Giáo dụcThứ Năm, 31/10/2019 12:05:00 +07:00Google News

Không có bằng cấp chuyên môn, người bán hàng tạp hóa được đào tạo, sau đó họ chỉ cần vượt qua 3 "cửa ải" để trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại trung tâm.

Video: Cách tuyển giáo viên kỳ lạ của Tâm Việt

Bán hàng tạp hóa được tuyển làm giáo viên

Nhiều phụ huynh khẳng định, họ biết đến Tâm Việt qua những lời quảng cáo trên mạng Internet.

Trên các trang web, fanpage của trung tâm này có rất nhiều lời PR hấp dẫn: “Với công nghệ ‘dịch chuyển đẳng cấp’ kết hợp thành tựu khoa học "tế bào gốc", khoa học thần kinh và khoa học hành vi, Tâm Việt biến điều không tưởng thành bình thường”; “Đào tạo thành công trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia. Tâm Việt mở ra hướng đi mới cho thế giới về phương pháp huấn luyện và định hướng nghề nghiệp cho trẻ tự kỷ…”.

Trong những lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trung tâm thường xuyên đưa em K.H (9 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), 3 năm học tại Tâm Việt, để quảng bá cho khả năng làm xiếc được công nhận là kỷ lục gia Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên, mẹ K.H  hồ hởi cho biết, theo học ở Tâm Việt, con được dạy rất nhiều thứ từ các kỹ năng xiếc tới cách ăn uống, giao tiếp, cư xử. "Ở đây phải mấy thầy cô mới chăm được con mình, giáo viên với học sinh tương đương, cân đối nhau", người mẹ này nói.

Mỗi lần nhắc đến Tâm Việt, chị T. dùng những lời lẽ tung hô về trung tâm như một "vị thánh sống", giúp con mình hồi sinh.

Bằng những lời PR hoành tráng và nhân vật như cậu bé K.H, nhiều phụ huynh lặn lội từ các tỉnh miền Nam, miền Trung đưa con đến trung tâm Tâm Việt nhập học, với hi vọng con được "huấn luyện thành kỷ lục gia".

1

 Học sinh tự kỷ luyện tập kỹ năng đội chai nước để giáo viên, huấn luyện viên (người không mặc áo) quay, chụp ảnh.

Tuy nhiên có những phụ huynh chưa thực sự tin tưởng như trường hợp bố mẹ em M.D. (11 tuổi, Nghệ An), là trường hợp cụ thể phóng viên gặp quá trình thâm nhập ở trung tâm. Lo lắng về con, suốt 2 ngày, bố mẹ D. chỉ quanh quẩn ở khu cổng KTX Đại học TDTT Bắc Ninh len lén nhìn con.

Bên cạnh thực trạng chăm sóc, dạy dỗ trẻ còn nhiều bất cập, trong quá trình thâm nhập với vai trò là giáo viên nhóm phóng viên còn nhận ra nhiều điều giật mình ở khâu tuyển dụng, đào tạo giáo viên của trung tâm này.

Khi PV gọi điện theo số hotline trên trang web của Tâm Việt để ứng tuyển giáo viên, người cầm số hotline khẳng định ‘không cần bằng cấp, đến đây sẽ được đào tạo lại’.

Trong vai người từng bán hàng tạp hóa, không có bằng cấp về chuyên nghành giáo dục, chúng tôi đến gặp N.V.M. (SN 1995), người xưng là Phó giám đốc của Trung tâm Tâm Việt.

M. cho biết: "Đường hướng phát triển Tâm Việt rất lớn, Tâm Việt vươn ra toàn cầu. Tâm Việt là nơi duy nhất trên thế giới đào tạo trẻ tự kỷ ở tuổi dậy thì, chuẩn bị sang tầm thế giới.

Ban đầu, Tâm Việt đào tạo kỹ năng sống, hơn 4 năm trở lại đây Tâm Việt chuyển sang đào tạo trẻ tự kỷ với mức học phí 9,8 triệu đồng, 14,8 triệu đồng và 19,8 triệu đồng/em/tháng".

Khi chúng tôi cho biết chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo về dạy trẻ tự kỷ, M. động viên: "Làm ở đây 2- 3 năm, anh chị có thể đứng ra tự mở trung tâm riêng. Anh chị có thể thành những chuyên gia đi đào tạo cho những giáo viên khác về trẻ tự kỷ. Bằng cấp không quan trọng, các chị sẽ được đào tạo lại từ đầu".

M. làm việc ở đây hơn 2 năm. "Trước đó, tôi là sinh viên nhưng bỏ học đại học, đi bán hàng. Sau đó, tôi đi học một lớp của thầy Việt rồi đi theo ngành giáo dục trẻ đặc biệt đến nay", M. nói.

Theo M., trung tâm này có 12 giáo viên chính với 45 học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi được biết số giáo viên thực ít hơn con số trên.

Xét tuyển bằng nguyên tắc 1:1:3

Trong quá trình nói chuyện, M liên tục khẳng định: "Tâm Việt không phải là chữa bệnh, không dùng thuốc tây. Tâm Việt là đào tạo nhân tài. Mình tiếp cận 1 em, xem nó giỏi gì. Mình vẽ ra trong đầu nó sẽ tập thế nào. Sau đó mình dạy nó, khi nó giỏi thì các bệnh tật sẽ hết.

Ở đây, dạy học viên trở thành giáo viên. Công nghệ đào tạo bọn này trở thành huấn luyện viên mới là giỏi, từ trẻ tự kỷ trở thành huấn luyện viên dạy lại trẻ tự kỷ".

2

 Học sinh trong giờ học tại Trung tâm Tâm Việt ở Từ Sơn, Bắc Ninh.

Về yêu cầu với giáo viên, những người quản lý ở đây khẳng định, tiêu chuẩn thành giáo viên của Tâm Việt là 1:1:3. Tức là yêu cầu giáo viên phải đội 1 chai nước lên đầu, đứng trên 1 con lăn và đồng thời tung 3 bóng.

Nếu luyện tập được như vậy sẽ trở thành giáo viên chính thức của trung tâm. Lúc này, PV sẽ được trả lương và bắt đầu quay lại huấn luyện các học sinh những môn này.

Đây cũng chính là tiêu chí đánh giá giáo viên giỏi hay không, tiến bộ ra sao ở Tâm Việt. "Chị phải tiến bộ liên tục nếu không sẽ bị loại. Các cô ở đây có người đứng con lăn, đội chai tung được 5 bóng".

Với tiêu chuẩn nhận giáo viên, huấn luyện viên này, nên có giáo viên ở Tâm Việt còn chưa tốt nghiệp THPT, bỏ học…

"Bài test đầu tiên của Tâm Việt là phải làm được các môn đó (đội chai nước, tung bóng… ). Đó chính là bằng cấp, chuyên môn", M. khẳng định.

Khi chúng tôi hỏi có giới hạn tuyển dụng không? M. khẳng định: "Không giới hạn bởi tương lai Tâm Việt phát triển lớn lắm". Biết chúng tôi còn có bạn, M bảo: "Cứ đưa lên đây" dù không biết về kinh nghiệm hay chuyên nghành đào tạo của người muốn ứng tuyển.

3 3

 Học sinh tập tung bóng ở Tâm Việt.

Sau khi qua vòng sơ tuyển, 2 ngày sau, PV bắt đầu công việc tại trung tâm này.

Lịch trình của chúng tôi bắt đầu từ 5h30 dậy họp công ty với giám đốc trung tâm qua facebook. Tại buổi họp này, các giáo viên sẽ báo cáo được việc thầy, trò tung được bao nhiêu quả bóng, đứng trên con lăn bao phút…

Từ 8h30 đến 11h sáng, PV được yêu cầu vào các phòng để bắt đầu học các bộ môn. Ở đây có 4 phòng (phòng dạy đội chai nước, 2 phòng tung bóng, 1 phòng dạy đứng trên con lăn).

PV được cho vào cùng các học sinh mắc chứng tự kỷ để học đội chai nước, tung bóng. Chiều, từ 2h đến 6h, chúng tôi tiếp tục được yêu cầu luyện tập những môn trên. Nếu đội được chai nước trên đầu, chúng tôi sẽ được chuyển dần sang các phòng học tung bóng, đứng con lăn…

Liên tục trong những ngày ở tại trung tâm với vai trò giáo viên tập sự, chúng tôi được yêu cầu học đi học lại các bộ môn trên. Các kỹ năng dạy trẻ về văn hóa, tâm lý… hoàn toàn không có trong chương trình đào tạo giáo viên ở nơi được quảng cáo là ‘huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sĩ, kỷ lục gia’ này.

Trao đổi với PV, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh khẳng định, không cấp phép cho trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt. "Trung tâm thuê trụ sở tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh và đã hết hợp đồng từ ngày 1/9", đại diện Sở thông tin thêm.

Được biết, hiện, trung tâm này chuyển về Đông Anh, Hà Nội. Bà Dương Thị Sáu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh, Hà Nội, khẳng định phía Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh chưa cấp phép hoạt động cho trung tâm Tâm Việt vì các trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ không thuộc thẩm quyền cấp phép của phòng.

"Chúng tôi khẳng định chưa cấp phép cho trung tâm này", bà Sáu khẳng định.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn