• Zalo

Bàn chân treo gác bếp bị chuột gặm, bọ xơi

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 17/07/2013 06:40:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đợt đó mưa gió, không khí ẩm, nên cái chân bị thối, dòi bọ tiếp tục ăn nốt, chỉ còn xương.

(VTC News) - Đợt đó mưa gió, không khí ẩm, nên cái chân bị thối, dòi bọ tiếp tục ăn nốt, chỉ còn xương.


Trong thời gian luẩn quẩn ở bản Hoàng Lỳ Pả, một bản vùng biên, nằm giữa đại ngàn nghiến Phong Quang, thuộc xã Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang), chúng tôi được người dân cung cấp thêm một thông tin: Hầu Diệu Chảo cũng bị trúng mìn, bị cưa chân và cũng sấy chân trên gác bếp.

Có lẽ, ngoài bộ tộc Dani, ở thung lũng Baliem, thuộc đất nước Indonesia, có tục hun khói người chết bằng hơi nóng ngọn lửa và ám khói, thì mới chỉ thấy ở Việt Nam có cách thức sử dụng bếp lửa sấy bộ phận cơ thể.

Câu chuyện nào cũng đều na ná giống nhau, đều dẫm phải mìn, đều bị mìn phạt mất chân, và đều sấy chân trên gác bếp, tuy nhiên, vì câu chuyện này quá lạ, nên tôi tìm mọi cách để xem bằng được cái chân của Hầu Diệu Chảo.

Nhà Hầu Diệu Chảo xa quá, mà đường hun hút, ngoằn ngoèo trên dãy Răng Cưa. Tôi thuê một anh bạn người Mông dẫn đường đến nhà Chảo. Đi xe máy được một đoạn thì không đi nổi nữa, vì trời mới mưa, đường bé xíu dốc ngược, trơn chuồi chuỗi.

Hà Giang
Chân sấy gác bếp của Thào Mìn Hoa 
Vừa đi tôi vừa lo lắng, bởi có thế chẳng gặp được Hầu Diệu Chảo. Tôi đã tìm đến tận nhà Thào Mìn Hoa và Hầu Mí Trung, nhưng chỉ được xem chân của Hoa, mà không gặp được Hoa và cũng chỉ được nghe kể lại về cái chân của Trung, chứ không gặp được anh chàng này.

Mặt trời ngấp nghé bên kia biên ải, thì nhà Hầu Diệu Chảo hiện ra trên sườn một thung lũng sâu hun hút. Ngôi nhà mở cửa, trẻ con nô đùa ríu rít.

Hỏi Hầu Diệu Chảo, mấy đứa bé tròn mắt cười khanh khách, rồi chạy tọt vào trong nhà, núp trong bóng tối trốn người lạ đang nói thứ ngôn ngữ mà chúng không hiểu.

Chiều đổ bóng mà Hầu Diệu Chảo vẫn đang say giấc nồng. Thấy khách lạ, anh Chảo lồm cồm bò dậy. Anh bảo, đợt này trái gió trở giời, mình mẩy đau nhức, nên nằm bẹp ở nhà chịu đau, để mình vợ lên nương.
Hà Giang
Phần xương ống chân ám bồ hóng của Thào Mìn Hoa 
Tôi hỏi chuyện trúng mìn, anh Chảo vui vẻ hẳn. Anh tưởng chúng tôi là cán bộ y tế, đến tìm hiểu tình trạng bệnh tật của anh để tặng anh chân giả! Nhưng khi biết là nhà báo, anh cũng vui không kém. Anh hào hứng kể cái chuyện vô tình dẫm phải mìn của mình.

Hồi anh dẫm phải mìn là năm 1996. Thời điểm đó, bộ đội công binh dựng lều lán, ăn ở nhiều ngày ở Hoàng Lỳ Pả và Mã Hoàng Phìn để rà phá mìn, trả lại đất cho đồng bào cày cuốc, khai phá. Bộ đội thu gom, tháo gỡ, tiêu hủy hàng ngàn quả mìn đã nằm im lìm dưới lòng đất hàng chục năm.

Thời điểm đó, ruộng vườn tổ tiên anh để lại bị bỏ hoang nhiều, không dám canh tác, vì “ô nhiễm” mìn. Sau khi được bộ đội công binh rà phá, thì anh vác cuốc ra bới đất gieo ngô.

Tuy nhiên, đen đủi thế nào, vừa ra vườn, cuốc được mấy nhát, thì đạp trúng quả mìn N79. Anh nhớ lại: “Mình phát cỏ xong thì cuốc đất. Vừa cuốc được mấy cái, thì tiếng mìn nổ bùm dưới chân mình. Cái chân mình đứng không vững nữa. Mình ngã kềnh ra đất.
Hà Giang
Hầu Diệu Chảo phải đi chân giả 
Lúc đó mình còn không hiểu cái gì nổ to thế. Nhưng khi hoàn hồn, nhìn xuống chân, thấy chân mình nát bét đến tận đầu gối rồi”.

Nghe tiếng mìn nổ, đơn vị công binh đóng ở gần đó đã lập tức chạy đến ga-rô chân, sơ cứu vết thương cho anh Chảo. Ngay sau đó, các chiến sĩ công binh cùng nhân dân thay nhau khênh Hầu Diệu Chảo xuống Bệnh viện tỉnh Hà Giang. Bác sĩ ở bệnh viện tỉnh địa đầu này đã cắt chân anh Chảo để bảo toàn tính mạng cho anh.

Sau 24 ngày nằm viện, anh được về bản. Anh mang theo cái chân ướp lạnh. Sau khi làm lễ cúng tổ tiên, báo cáo sự việc, anh đặt chân lên gác bếp, chất củi hun khói ngày đêm. Phần còn lại cuộc đời anh thiếu một bàn chân, nhưng khi về với tổ tiên, anh sẽ vẫn đầy đủ bộ phận cơ thể.
Hà Giang
Gác bếp - nơi Hầu Diệu Chảo từng sấy chân mình 
Tôi đề xuất anh Chảo cho xem chân ở gác bếp, anh Chảo lắc đầu bảo: “Chân mình không còn ở gác bếp đâu nhà báo ạ. Mấy năm trước nhà mình lên lán ở để trông nương ngô sắp đến ngày thu hoạch, mình bỏ quên cái chân khiến nó hỏng mất. Hôm về nhà mình mới biết bọn chuột tha cái chân từ gác bếp xuống đất. Bọn chuột gặm mất một nửa chân của mình rồi.

Đợt đó mưa gió, không khí ẩm, nên cái chân bị thối, dòi bọ tiếp tục ăn nốt, chỉ còn xương. Dù buồn lắm, nhưng mình phải đem cái chân đi chôn trước. Mình cũng nhờ thầy cúng báo cáo tổ tiên cho cái chân mình đi trước, còn mình sẽ về với tổ tiên sau. Thầy cúng bảo tổ tiên đã chấp nhận đề nghị của mình rồi”.

Nghe Hầu Diệu Chảo nói thế, tôi thấy hơi tiếc, vì không được chiêm ngưỡng thêm một “tác phẩm” chân sấy. Chảo buồn rầu kể: “Từ hồi mất chân, hay ốm yếu, ít đi lại nên mình sinh ra nóng tính. Mình mắng thằng con thứ 2 nhà mình, không cho nó đi chơi với bạn, thế là nó ăn lá ngón chết. Nó vừa chết năm ngoái”.
Hà Giang
Anh Chảo buồn bã khi nhớ đến cái chân bị chuột và bọ xơi mất 
Tôi giương máy ảnh lên chụp. Hầu Diệu Chảo gọi mấy đứa bé núp trong bóng tối ra để chụp cùng… ông. Có mấy đứa lớn, bé lóc nhóc. Tôi thắc mắc sao mất chân rồi mà vẫn đẻ khỏe thế thì Chảo cười. Hóa ra toàn là cháu nội, ngoại của Chảo. Ở tuổi 40 mà Hầu Diệu Chảo đã có cả dâu, rể và một đàn cháu.

Ở Hoàng Lỳ Pả và Mã Hoàng Phìn thuộc xã Minh Tân có cả chục người đã bỏ mạng vì vướng phải mìn và có tới 25 người chịu thương tật suốt đời, mất đi những bộ phận cơ thể. Nhiều người đã về với đất và được thầy cúng làm lễ, đặt bộ phận mà họ giữ lại bằng hơi nóng của bếp vào quan tài, để về thế giới bên kia được làm con ma lành lặn.

Mới đây nhất là đám ma của ông Giàng Mí Vàng, ở bản Mã Hoàng Phìn. Gia đình ông Vàng nghèo quá, chẳng có gì ăn, nên ông liều mạng vào rừng đào mìn đem sang Trung Quốc bán phế liệu.

Ông từng dùng cuốc bổ trúng mìn, mìn nổ bay cuốc mà ông không hề hấn gì. Nhưng một lần cưa mìn đổ bỏ thuốc nổ đi, quả mìn phát nổ đã cướp mất hai cánh tay và một mắt của ông. Ông Vàng đã sấy 2 bàn tay mình trên gác bếp.

Sống lay lắt với bệnh tật mấy năm thì ông Vàng qua đời. Trong lễ nhập quan, thầy cúng đã đặt 2 bàn tay sấy khô vào áo quan để ông Vàng thành “con ma” lành lặn.
Trong quan niệm của người H’Mông, thế giới ma quỷ rất phức tạp, cầu kỳ. Người H’Mông tin rằng, khi chết thì người đó sẽ thành ma, được về thế giới bên kia sum vầy với tổ tiên. Nếu chết đi, không có chân, thì tổ tiên sẽ không nhận mặt. Chính vì vậy, khi bị trúng mìn, phải cưa chân, hoặc bất kỳ tai nạn nào khác, thì đồng bào sẽ giữ lại phần thi thể đó. Sau này, khi chết già, thầy cúng sẽ làm lễ, rồi gắn phần thi thể đó vào xác chết, để con ma có đầy đủ bộ phận.

Còn tiếp…

Bài cuối: Những thân phận buồn vì dẫm phải mìn ở biên ải

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn