Với việc Bamboo dừng đường bay Côn Đảo, sẽ chỉ còn đường bay thẳng TP.HCM - Côn Đảo do Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines và VASCO) khai thác.
"Cháy" vé Hà Nội - Côn Đảo
Ngay khi có thông tin đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo sắp đóng cửa, vé máy bay chặng này của Bamboo Airways đã nhanh chóng bị "vét sạch". Khảo sát của VTC News ngày 29/2 cho thấy, vào ngày 2/3, chỉ còn duy nhất 1 vé hạng thương gia, giá 7.811.000 đồng/chiều. Hai ngày tiếp theo là 3-4/3 cũng không còn vé. Đến ngày 5/3 còn 1 vé hạng phổ thông với giá 4.270.000 đồng/chiều. Các ngày 6-7/3 tiếp tục không còn vé, ngày 8/3 chỉ còn 1 vé hạng thương gia một chiều với giá 7.811.000 đồng/chiều.
Và đến tận ngày 31/3, cũng chỉ còn 4 vé hạng phổ thông với giá 4.270.000 đồng/chiều.
Tương tự, khảo sát chặng bay TP.HCM - Côn Đảo cũng cho thấy, trong nhiều ngày, vé máy bay đã được mua gần hết. Theo đó, ngày 1-2/3 đã hết vé. Các ngày sau đó từ 4- 31/3, chỉ còn vé hạng phổ thông của Vietnam Airlines, trong khi Bamboo Airway chỉ còn hạng thương gia.
Nhiều du khách bày tỏ sự tiếc nuối khi thời điểm này không thể mua vé bay Hà Nội - Côn Đảo phù hợp. Anh Mạnh Hiếu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khi vừa biết thông tin sắp không còn đường bay Hà Nội - Côn Đảo nữa, anh đã lập tức tìm mua vé cho chuyến đi đã được lên kế hoạch từ trước Tết của mình. Tuy nhiên những lịch bay cuối tuần phù hợp với lịch trình của anh đã không còn vé. Không những thế, những chuyến bay trong tuần cũng không có nhiều vé, nếu đi đoàn đông sẽ phải tính toán lại.
Giá vé bay Côn Đảo sắp tăng dựng đứng?
Không chỉ lo hết vé, hành khách còn lo tình trạng giá vé máy bay đến Côn Đảo sẽ tăng vọt.
Tháng 9/2020, Bamboo Airways chính thức mở lại đường bay Hà Nội - Côn Đảo, hành khách bay thẳng đến Côn Đảo chỉ mất hơn 2 tiếng. Điều này đã buộc Vietnam Airlines Group phải giảm giá vé bay nối chặng để tăng sức cạnh tranh.
Vì thế, việc Bamboo Airways bây giờ đóng cửa chặng bay này đồng nghĩa với việc từ tháng 4/2024, sẽ lại chỉ có Vietnam Airlines khai thác đường bay thẳng TP.HCM - Côn Đảo. Khách hàng từ miền Bắc muốn đến Côn Đảo đều phải bay nối chuyến tại TP.HCM. Đây có thể là nguyên nhân đẩy giá vé máy bay đến Côn Đảo đắt đỏ như trước kia.
"Nhu cầu nhiều trong khi nguồn cung giảm một nửa. Theo quy luật thị trường thì chắc chắn giá vé sẽ nhanh chóng tăng lên", anh Hiếu dự báo.
Chưa kể, trước đây từng xảy ra hiện tượng có đơn vị ôm vé và dùng biện pháp đẩy giá vé lên cao để hưởng lợi. Từ khi thêm Bamboo Airways chiếm thị phần, tình trạng này đã giảm hẳn. Do đó, nhiều người lo lắng điều này sẽ quay trở lại, góp phần làm giá vé đi Côn Đảo thêm "nóng".
Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, đến thời điểm này, giá vé máy bay của Vietnam Airlines cho các chặng bay, trong đó có chặng TP.HCM đi Côn Đảo không hề thay đổi.
“Chúng tôi chưa có bất cứ kế hoạch tăng giá vé nào cho đến lúc này. Còn kế hoạch sau này như thế nào thì chưa thể khẳng định nhưng dù có tăng thì vẫn phải nằm trong khung giá trần theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải”, ông Tuấn nói.
Về câu hỏi hãng có tăng chuyến sau khi Bamboo Airways dừng khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo hay không, ông Tuấn cho biết đây là kế hoạch khó thực hiện do nguồn lực máy bay của hãng không có nhiều. Hiện hãng đang khai thác chặng Côn Đảo - TP.HCM với tần suất 10 - 22 chuyến bay/ngày.
Tương tự, các chuyên gia hàng không cũng dự báo giá vé máy bay đi Côn Đảo khó tăng "sốc" vì đã được quy định bởi giá trần.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nếu không có thêm hãng bay nào tham gia đường bay này thì Vietnam Airlines sẽ có sự độc quyền. Mặc dù vậy, Vietnam Airlines cũng sẽ không tăng giá vé vượt quy định về giá trần. Để khai thác tốt hơn chặng bay này, có thể họ sẽ tăng chuyến bay để phục vụ cả khách chặng Hà Nội - Côn Đảo.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, dù chỉ có 1 hãng bay ra Côn Đảo và nhu cầu tăng cao thì các hãng không phải cứ muốn là tăng giá vé được.
“Hiện nay Nhà nước đã quản lý và quy định và có phương án kiểm soát là quy định về giá trần cho các hãng hàng không. Do vậy, dù có tăng thì các hãng cũng không vượt giá trần quy định của Nhà nước”, ông Long phân tích.
Trong khi đó, thông tin với VTC News, một lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, việc Bamboo Airway không có máy bay và phải dừng khai thác là chuyện bình thường. Trong trường hợp nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Vietnam Airlines sẽ phải tăng tải cung ứng, đồng thời các hãng bay khác cũng đang tìm những loại tàu bay phù hợp để khai thác trong thời gian sớm nhất.
“Các hãng phải bán vé máy bay theo khung giá trần quy định của Nhà nước. Chỉ có vào mùa cao điểm, mùa thấp điểm thì hãng tăng giá hay giảm giá nhưng vẫn phải nằm trong khung này”, vị lãnh đạo Cục Hàng không nhấn mạnh.
Trắc trở chặng bay Hà Nội - Côn Đảo
Năm 2012, đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo lần đầu được hãng hàng không Air Mekong khai thác bằng máy bay phản lực Bombardier CRJ 900. Tuy vậy máy bay vẫn phải hạ cánh ở Tân Sơn Nhất để tiếp nhiên liệu và nghỉ 40 phút nên mất hơn 3 giờ bay.
Chỉ sau 1 năm, Air Mekong phải dừng đường bay này.
Đến tháng 9/2020, Bamboo Airways chính thức mở lại đường bay Hà Nội - Côn Đảo bằng tàu bay Embraer E190. Sau 8 năm, hành khách lại được bay thẳng đến Côn Đảo, chỉ mất hơn 2 tiếng. Trong cuộc đua này, hành khách được lợi nhiều nhất. Các đơn vị lữ hành dễ dàng xây dựng tour tuyến do có nhiều sự lựa chọn về khung giờ, giá cả, vì vậy giá tour cũng giảm mạnh.
Và từ tháng 4/2024, Bamboo Airways lại dừng đường bay này nên sẽ lại chỉ còn đường bay thẳng TP.HCM - Côn Đảo do Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines và VASCO) khai thác.
Nguyên nhân khiến đường bay đến Côn Đảo dù đông khách nhưng vẫn không đủ hấp dẫn với các hãng nay là do sân bay Côn Đảo có đường băng ngắn, bao quanh là biển và núi. Hiện đây là sân bay dân sự cấp 3C và quân sự cấp 2, chỉ đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương. Do đó, nếu khai thác đường bay này, các hãng sẽ phải tốn chi phí đầu tư một loại tàu bay mới, cộng thêm chi phí đào tạo phi công, thợ máy...
Bamboo Airways cho biết trung bình mỗi năm, chi phí vận hành một máy bay Embraer 190 vào khoảng 5 triệu USD. Trong đó, máy bay phải mang đi bảo dưỡng ở Ba Lan, phi công phải được đào tạo ở Nhật Bản. Ngoài ra, loại máy bay này tiêu thụ xăng dầu rất lớn, ngang ngửa với máy bay Airbus A320 nhưng chỉ chở được bằng phân nửa số khách...
Các hãng hàng không bao gồm cả Bamboo Airways, Vietjet Air và Vietravel Airlines hiện đều chỉ tập trung vào dòng máy bay Airbus A320, A321 để giảm chi phí khai thác, nhằm cạnh tranh về giá vé.
Bình luận