Theo đó, hãng sẽ ngừng các đường bay khai thác toàn bộ hoặc một phần bằng loại máy bay Embraer E190, bao gồm từ Hà Nội và TP.HCM đi Côn Đảo, Huế và từ Hà Nội đi Đồng Hới (Quảng Bình).
Đồng thời hãng tập trung khai thác các đường bay trục Bắc - Nam giữa Hà Nội và TP.HCM, từ Hà Nội và TP.HCM đi Đà Nẵng và các địa phương trong nước có dung lượng thị trường lớn.
Về đề án tái cấu trúc, Bamboo Airways đã báo cáo với Chính phủ vào cuối tháng 11/2023. Bamboo Airways và đối tác cho thuê máy bay đã đạt được thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng thuê 3 máy bay Embraer E190 sau lịch bay mùa Đông kết thúc vào cuối tháng 3 tới.
Như vậy, sau khi đã ngừng khai thác loại máy bay Boeing B787-9 từ tháng 11/2023 và tiếp tục trả sớm các máy bay Embraer E190, từ tháng 4 năm nay, Bamboo Airways sẽ chỉ khai thác dòng máy bay thân hẹp Airbus A320/321 trên mạng đường bay nội địa và quốc tế khu vực, theo đúng chiến lược, mô hình kinh doanh được chọn.
Đội máy bay hành khách của Bamboo Airways từ tháng 4/2024 bao gồm 8 chiếc A320/321, dự kiến tăng lên 12 - 15 chiếc cùng loại vào cuối năm nay nếu các điều kiện tài chính, thị trường thuận lợi.
Embraer E190 là loại máy bay phản lực cỡ nhỏ do Brazil sản xuất, được giới chuyên gia đánh giá không còn phù hợp với thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Máy bay có khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn - loại sân bay này hiện còn rất ít ở Việt Nam. Cả nước chỉ còn 3 sân bay như vậy ở Côn Đảo, Cà Mau và Rạch Giá, trong đó 2 sân bay Côn Đảo, Cà Mau đều đã được định hướng sẽ mở rộng và kéo dài đường băng để tiếp nhận được Airbus A320/321.
Cũng theo Bamboo, loại máy bay Embraer E190 có mức tiêu thụ nhiên liệu cao (gần bằng Airbus A320/321, trong khi số khách chở được chỉ bằng một nửa), không hiệu quả trong bối cảnh giá xăng dầu cao hiện nay, không phù hợp với xu thế thế giới về giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, hướng tới các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu hoặc sử dụng nhiên liệu hàng không thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Việt Nam và trong khu vực không có loại máy bay Embraer E190, do vậy việc bảo dưỡng máy bay, mua sắm vật tư, khí tài rất phức tạp và tốn kém (chủ yếu với các cơ sở kỹ thuật đặt tại châu Âu). Công tác đào tạo, huấn luyện định kỳ cho phi công cũng phải thực hiện ở nước ngoài, trong khi ở Việt Nam có sẵn hạ tầng bảo dưỡng máy bay, huấn luyện, đào tạo cho dòng máy bay A320/321.
Đặc biệt, trong điều kiện quy định trần giá vé máy bay nội địa, loại máy bay này gây lỗ lớn cho hoạt động vận tải hàng không của Bamboo Airways và không có cơ hội cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Phần lớn các sân bay được Bamboo Airways khai thác bằng máy bay Embraer đều nằm trong kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng của Chính phủ và cơ quan chức năng để đón các máy bay có tải trọng lớn hơn, phục vụ nhu cầu của đông đảo hành khách trong và ngoài nước.
Đây cũng là định hướng phù hợp với chiến lược đồng nhất cơ cấu đội bay của Bamboo Airways. Dự kiến sau khi hoàn thiện nâng cấp các sân bay ngách kể trên, Bamboo Airways sẽ khai thác trở lại bằng các dòng tàu bay lớn và hiện đại hơn, phù hợp với điều kiện thực tế.
Với việc đưa đội máy bay về đơn dòng Airbus A320/321, Bamboo Airways tiếp tục thực hiện các nội dung tái cấu trúc hoạt động, lao động, công nghệ để cải thiện các chỉ số kinh doanh, tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí... tạo nền tảng kinh doanh để tiếp tục phát triển hiệu quả mạng đường bay nội địa, khai thác trở lại các đường bay quốc tế khu vực từ năm 2025.
Bình luận