Sau đây là tổng hợp các câu hỏi chủ yếu cùng câu trả lời từ ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, chúng tôi xin gửi tới các quý vị nhà báo quan tâm đến vấn đề này.
Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, trả lời một số vấn đề báo giới quan tâm, xung quanh việc thành lập Tre Việt.
Song hành với ngành du lịch Việt Nam
- Tập đoàn FLC vừa công bố nghị quyết về việc thành lập công ty con trong lĩnh vực hàng không. Vậy ông có thể chia sẻ lý do để FLC làm việc này?
Trước tiên, tôi muốn làm rõ hơn một số thông tin chưa chuẩn mực, đã gây nhiễu loạn trong thời gian qua.
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC mới đây đã thông qua nghị quyết thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines). Đây là công ty con có 100% vốn của Tập đoàn FLC, và sẽ là công ty sở hữu đối với hãng hàng không, với tên thương mại chính xác là Hãng hàng không Bamboo Airways.
Sự ra đời công ty sở hữu là bước đệm cho việc thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways trong thời gian tới.
Quyết định này của FLC xuất phát từ việc phân tích tình hình thực tiễn, trong quá trình chúng tôi triển khai và khai thác 6 khu quần thể nghỉ dưỡng trên toàn quốc.
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn về nhu cầu đi lại của du khách cả trong nước và quốc tế, tới các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm các tỉnh có dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của FLC.
Trong khi đó, các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác dịch vụ tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, mà chưa chú trọng nhiều tới các đường bay thẳng từ nước ngoài hoặc trong nước tới các điểm du lịch Việt Nam nói trên.
Ví dụ, với nhiều sự kiện, giải đấu lớn được tổ chức tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng của FLC, chúng tôi thường xuyên phải giải quyết tình trạng không đủ số chuyến bay chở khách, bằng cách xin các hãng hàng không tăng chuyến.
Không chỉ ít về tần suất, nhiều chuyến bay đến tỉnh của các hãng lớn còn bị đặt vào khung giờ khó khăn. Ví dụ, có hãng hàng không đặt chuyến Hà Nội - Quy Nhơn vào lúc 6h40 sáng, như vậy khách muốn bay phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị.
Giờ bay không hợp lý, số chuyến bay khan hiếm sẽ góp phần dẫn đến mất khách, khiến các tỉnh bị mất đi một nguồn doanh thu lớn từ du lịch.
Do đó, chúng tôi kỳ vọng khi Hãng hàng không Bamboo Airways ra đời sẽ kích thích phát triển hơn nữa ngành du lịch tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác, nâng tầm hình ảnh của du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế, phù hợp với Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị trong việc xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Hướng khai thác khác biệt
- Số vốn điều lệ 700 tỷ đồng là mức vốn tối thiểu để khai thác 10 tàu bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. Vậy chiến lược cạnh tranh của Bamboo Airways sẽ như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi định vị Bamboo Airways là hãng hàng không “hybrid”, một loại hình vận chuyển hàng không mới trên thế giới, bên cạnh hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ.
Loại hình dịch vụ mới này được lai ghép giữa hai loại hình kinh doanh đã tồn tại, nhằm hướng tới một dịch vụ đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách.
Bamboo Airways vẫn cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống, với giá cả hợp lý.
Ngoài ra, chúng tôi xác định một hướng khai thác khác biệt so với các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam.
Đó là, thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã trong tình trạng quá tải, Bamboo Airways lại tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang…
Tức là, chúng tôi ưu tiên vào việc đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển của du khách, tránh cho họ phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết.
Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, nhằm kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn....
Chúng tôi kỳ vọng, trong tương lai, khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, cùng với sự phát triển, mở rộng của các điểm du lịch nhiều tiềm năng tại Việt Nam, lượng khách đến các điểm này sẽ ngày càng gia tăng.
Và đó cũng là cơ hội phát triển của Bamboo Airways nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung.
Tập trung vào hạ tầng hàng không ít được khai thác
- Tuy nhiên, hạ tầng cho vận tải đường không của Việt Nam hiện quá tải trầm trọng và các cơ quan chức năng thời gian gần đây đã phải hạn chế không ít đề xuất mở thêm chuyến bay của các hãng hàng không hiện hữu. Liệu điều này có ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai thành lập Bamboo Airways?
Theo quy hoạch tổng thể của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển đưa vào khai thác tổng cộng mạng lưới gồm 26 cảng hàng không trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa.
Hiện tại thì Việt Nam đang khai thác 21 cảng hàng không, trong đó chỉ tính riêng hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã chiếm tới gần 75% lưu lượng khách, cá biệt sân bay Tân Sơn Nhất đang phải hoạt động tới 110% công suất thiết kế.
Ngược lại, có một số sân bay địa phương có tiềm năng du lịch nhưng lại chưa được khai thác triệt để, như sân bay Phú Quốc mới chỉ hoạt động gần 38% công suất…
Đây thực sự là một sự lãng phí rất lớn về hạ tầng.
Do đó, với các tuyến bay mới nhằm kết nối các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch với nhau, Bamboo Airways không những không gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải, mà còn góp phần khai thác tối đa tiềm năng những địa điểm có hạ tầng hàng không chưa được tận dụng.
- Liệu các ông có ý định tham gia nâng cấp hạ tầng cho vận tải đường không?
Trong tương lai, cùng với sự lớn mạnh của Bamboo Airways, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt chắc chắn cũng tính đến việc đầu tư nâng cấp các sân bay.
Hiện tại, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường trực tiếp ra sân bay dưới hình thức BT với một số địa phương như Bình Định, Thanh Hóa...
- Tại sao Tre Việt là công ty sở hữu hãng hàng không mà lại có một trong các ngành nghề kinh doanh là bất động sản?
Bên cạnh việc vận tải hành khách, hàng hóa, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng máy bay của Việt Nam còn bó hẹp, với chỉ một số ít đơn vị đủ tiêu chuẩn, đủ năng lực để hành nghề.
Đây cũng là lĩnh vực mà Cục Hàng không đang kêu gọi đầu tư.
Tuy nhiên, ngành nghề đặc thù này đòi hỏi có diện tích lớn để thành lập các hang-ga, nhà kho cho tàu bay. Do đó, chúng tôi đã sớm đăng ký bất động sản là một trong các ngành nghề kinh doanh của Tre Việt, nhằm đảm bảo tiềm năng phát triển trong dài hạn của Bamboo Airways không bị hạn chế.
Kỳ vọng cất cánh cuối 2018
- Ông giải thích thế nào về phản hồi của Cục Hàng không rằng chưa nhận được đề xuất thành lập hãng hàng không từ Tre Việt?
Chúng tôi đang tiến hành những bước cuối cùng để hoàn thiện đề án thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways, mà việc thành lập công ty sở hữu Bamboo Airways là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt chỉ là một phần trong khối lượng công việc đó.
Dự kiến trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ đệ trình lên Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) để xin phê duyệt.
Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý và các điều kiện thuận lợi cho phép, chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2018, Bamboo Airways sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại, đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch của Việt Nam như Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc...
- FLC đã chuẩn bị những gì cho việc thành lập hãng hàng không mới, như về mua sắm máy bay, trang thiết bị, tuyển dụng, quản trị...?
Chúng tôi đã và đang làm việc với một loạt các đối tác lớn về việc mua sắm trang thiết bị và đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay.
Số lượng máy bay cụ thể sẽ được trình Cục Hàng không phê duyệt trong tháng 6 này.
Về nhân sự và quản trị, Tre Việt đã xúc tiến xây dựng một bộ máy gồm nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không.
Bình luận