Trong một ghi chú đầu chuyên mục được xuất bản ngày 17/10, biên tập viên của mục Post Global Opinions (Quan điểm toàn cầu), báo Washington Post, Karen Attiah viết bà đã hoãn xuất bản bài viết “vì chúng tôi hy vọng Jamal sẽ quay lại với chúng tôi.”
“Giờ tôi phải chấp nhận: Điều đó sẽ không xảy ra” – bà nói. “Đây là bài viết cuối cùng của ông ấy cho Washington Post mà tôi được biên tập. Bài viết ghi lại hoàn hảo quan điểm kiên định và mong muốn của ông đối với tự do ở thế giới Ả Rập. Sự tự do mà ông đã giành cả cuộc đời mình để chiến đấu vì nó.”
Trong bài viết, nhà báo Khashoggi phàn nàn về sự thiếu tự do bày tỏ trong thế giới Ả Rập, khiến phần lớn dân số “không thể lên tiếng đầy đủ, ít được thảo luận công khai về những vấn đề ảnh hưởng đến khu vực và cuộc sống hàng ngày của họ”, theo CNN.
Ông Khashoggi kêu gọi thành lập một “diễn đàn quốc tế độc lập” cho phép những người bình thường trong thế giới Ả Rập lên tiếng về “những vấn đề cấu trúc” mà xã hội của họ đối mặt.
“Tôi nhận được bài viết này từ người biên dịch và trợ lý của Jamal Khashoggi một ngày sau khi Jamal được đưa tin mất tích tại Istanbul” – biên tập viên Attiah cho biết.
Nhà báo biến mất sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Xê Út tại Istanbul ngày 2/10, theo Business Insider. Không có hình ảnh nào được ghi lại cho thấy ông rời tòa nhà sau đó.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội Ả Rập Xê Út đã sát hại tàn nhẫn Khashoggi, một người Ả Rập Xê Út thường chỉ trích chính phủ trong các bài viết. Chính phủ Ả Rập Xê Út phủ nhận các cáo buộc, nhưng chưa đưa ra bằng chứng Khashoggi còn sống và hiện an toàn sau hơn 2 tuần sự việc xảy ra.
Theo Business Insider, nhà báo Khashoggi có một sự nghiệp dày dặn trước khi biến mất bí ẩn.
Khi là một phóng viên trẻ, ông từng đến Afghanistan để phỏng vấn Osama bin Laden. Ông cũng viết về Chiến tranh vùng vịnh và thời gian làm phóng viên quốc tế nhanh chóng khiến ông thành công trong sự nghiệp nhà báo và biên tập tại Ả Rập Xê Út.
Ông được cho là phát triển được mối quan hệ thân cận với giới lãnh đạo của Ả Rập Xê Út trong nhiều năm, khi ngành công nghiệp truyền thông nước này được chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt, theo Business Insider. Ông từng làm cố vấn cho gia đình hoàng gia.
Bình luận