Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an công bố bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, đề nghị truy tố 15 người về các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”.
Theo quy chế thi, việc "Sinh mã phách" (số phách được sinh ngẫu nhiên từ phần mềm quản lý, đảm bảo mỗi bài thi tương ứng duy nhất với một số phách) thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban làm phách, "số phách" (mã khóa phách) phải được bảo mật tuyệt đối.
Tuy nhiên, kết luận điều tra nêu, Nguyễn Quang Vinh dù biết rõ các quy định này nhưng vẫn chỉ đạo, giao Đỗ Mạnh Tuấn (không có nhiệm vụ) thực hiện việc "Sinh mã phách" trái quy định để ngoài việc phục vụ công tác chấm thi tự luận, các bị can còn lấy thông tin mã phách của thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ Văn.
Ngày 28/6/2018, tại phòng 504 nhà khách Hòa Bình, Đỗ Mạnh Tuấn sử dụng máy tính của tổ chấm thi trắc nghiệm thực hiện việc "Sinh mã phách" từ phần mềm quản lý thi. Sau đó, Tuấn bàn giao các "Biểu dồn túi" và "Biểu mã phách" cho Ban làm phách để làm bài thi tự luận theo quy định.
Đồng thời, trong quá trình "Sinh mã phách", Đỗ Mạnh Tuấn đã tập hợp danh sách, thông tin các thí sinh cần nâng điểm thi môn Ngữ văn (gồm số báo danh, mã phách, mã túi bài thi, điểm yêu cầu và ghi chú quan hệ của thí sinh) chuyển cho Nguyễn Quang Vinh.
Nguyễn Quang Vinh chuyển danh sách, thông tin số thí sinh này cho Diệp Thị Hồng Liên (Phó trưởng phòng Khảo thí, Tổ trưởng Tổ Thư ký Ban chỉ đạo kỳ thi).
Do đã trao đổi, thống nhất từ trước nên khi nhận được danh sách thí sinh cần nâng điểm từ Nguyễn Quang Vinh, Diệp Thị Hồng Liên chủ động đối chiếu thông tin "mã phách", "mã túi đựng bài thi" theo tiến độ chấm thi của từng Tổ chấm thi tự luận môn Ngữ văn.
Sau đó, Liên chuyển các thông tin của thí sinh gồm: "mã phách", "mã túi đựng bài thi", "điểm yêu cầu" cho Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân, tổ trưởng tổ 1; Nguyễn Thị Hồng Chung, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, tỉnh Hòa Bình, tổ trưởng tổ 2 và Bùi Thanh Trà, giáo viên Trường THPT Lương Sơn, tổ trưởng tổ 3, để các tổ trưởng can thiệp, chấm nâng điểm bài thi.
Quá trình chấm thi, Nguyễn Văn Quang , Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà và các cán bộ chấm thi không thực hiện việc bốc thăm túi đựng bài thi, bốc thăm giám khảo chấm thi, không tổ chức chấm hai vòng độc lập.
Để nâng điểm bài thi cho thí sinh, các tổ trưởng đọc "mã phách", "điểm yêu cầu" để giám khảo chấm bài thi ghi lại hoặc tổ trường viết thông tin "mã phách", "điểm yêu cầu" ra phiếu chấm.
Sau đó, giám khảo sẽ chấm điểm cho thí sinh theo đúng "điểm yêu cầu" hoặc có trường hợp tổ trưởng ghi điểm trực tiếp vào bài thi của thí sinh, phiếu chấm để giám khảo chỉ việc ký hợp thức (không phải chấm lại); cũng có trường hợp, Liên cùng với tổ trưởng trực tiếp gặp giám khảo chấm thi để can thiệp, nâng điểm bài thi của thí sinh.
Kết quả điều tra xác định 20 bài thi của 20 thí sinh được 18 giám khảo nhận mã phách, trực tiếp chấm, nâng điểm và ký hợp thức. Cơ quan ANĐT Bộ Công an yêu cầu Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng và thực hiện chấm, thẩm định các bài thi Ngữ văn có dấu hiệu được can thiệp nâng điểm.
Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 22 bài thi môn ngữ văn được nâng điểm từ 1,25 đến 4,5 điểm. Trong đó, tổ chấm thi của Nguyễn Thị Thu Loan chấm điểm nâng 10 bài thi; tổ chấm thi của Nguyễn Thị Hồng Chung nâng điểm 7 bài thi; tổ chấm thi của Bùi Thanh Trà chấm nâng điểm 3 bài thi...
Kết quả điều tra hành vi sai phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ xác định 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm bài thi (64 thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2018, 1 thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2017). Các thí sinh này sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT.
Trong đó 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học/ cao đẳng (45 thí sinh trúng tuyển bị buộc thôi học; 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển); 3 thí sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đầu mối tiếp nhận thông tin các thí sinh cần can thiệp nâng điểm thi là Nguyễn Quang Vinh và Đỗ Mạnh Tuấn. Đỗ Mạnh Tuấn là người tổng hợp, lập danh sách các thí sinh cần can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận môn ngữ văn.
Trong 64 thí sinh được can thiệp nâng điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận có 35/64 là đầu mối quan hệ của Đỗ Mạnh Tuấn. Số còn lại do Nguyễn Quang Vinh chuyển cho Đỗ Mạnh Tuấn.
Những người trung gian biết Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn chấm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình nên đã chủ động liên hệ trao đổi, đưa thông tin thí sinh, tác động can thiệp, nâng điểm bài thi cho các thí sinh.
Danh sách 15 bị can bị đề nghị truy tố gồm:
1. Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1966, nguyên Trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình).
2. Đỗ Mạnh Tuấn (sinh năm 1979, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).
3. Diệp Thị Hồng Liên (sinh năm 1974, nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí).
4. Nguyễn Khắc Tuấn (sinh năm 1981, chuyên viên Phòng Khảo thí).
5. Nguyễn Thị Thu Loan (sinh năm 1979, nguyên giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân).
6. Nguyễn Thị Hồng Chung (sinh năm 1980, nguyên giáo viên Trường THPT Ngô Quyền).
7. Bùi Thanh Trà (sinh năm 1980, nguyên giáo viên Trường PTTH Lương Sơn).
8. Hồ Chúc (sinh năm 1975, nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Hà).
9. Khương Ngọc Chất (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình).
10. Đào Ngọc Thuật (sinh năm 1980, nguyên giáo viên Trường THPT Mường Bi).
11. Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1979, nguyên Thanh tra viên Phòng Thanh tra).
12. Nguyễn Tân Hưng (sinh năm 1979, nguyên cán bộ Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình).
13. Quách Thanh Phúc (sinh năm 1969, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT 19/5).
14. Lê Thị Hồng (sinh năm 1969, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ).
15. Phùng Văn Thụ (sinh năm 1966, nguyên Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Hòa Bình).
Bình luận