UBND thành phố đã thống nhất chủ trương nâng cấp Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn và đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam.
Đơn vị thực hiện dự án đề xuất triển khai bằng công nghệ đốt rác phát điện, được thực hiện liên doanh với Công ty Everbright International, một đối tác của Hồng Kông.
Theo Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam, đây là hệ thống do Everbright International tự nghiên cứu và phát triển với một số ưu điểm như khói thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn Châu Âu 2010, đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam; nước rỉ rác sau xử lý toàn bộ tái sử dụng; tiết kiệm năng lượng giảm phát thải; quản lý quy phạm một vào (rác sinh hoạt) bốn ra (khói thải, nước rỉ rác, xỉ lò, tro bay).
Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam cho biết, công nghệ đốt rác phát điện của Everbright International đang được triển khai cho dự án Đốt rác phát điện tại Cần Thơ.
Cụ thể, mỗi tấn rác sinh hoạt có thể cung cấp lượng điện sạch trên 280kWh. Dự kiến mỗi năm nhà máy tiếp nhận xử lý 146.000 tấn rác sinh hoạt, cung cấp khoảng 60.000.000kWh điện sạch.
Trên cơ sở đề xuất này, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) khẩn trương làm việc với đơn vị đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn, có báo cáo đánh giá toàn diện về hiệu quả triển khai dự án của Cty Everbright International tại Cần Thơ.
Sở TN-MT phải đặc biệt phải lưu ý về công nghệ, quy trình triển khai dự án, đánh giá của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương... qua đó đề xuất hướng đầu tư tại Đà Nẵng trong năm 2019.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, hiện UBND thành phố đang giao sở nghiên cứu tổng thể bãi rác Khánh Sơn theo hướng xóa điểm ô nhiễm này, biến bãi rác ô nhiễm thành Khu liên hợp xử lý rác theo hướng sinh thái, bền vững.
UBND thành phố lưu ý phương án xử lý luôn 3 triệu tấn rác hiện hữu, đầu tư xây dựng lò đốt rác nguy hại, xử lý phân bùn bể phốt và trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện giải tỏa để đảm bảo vành đai cách ly theo chuẩn của khu liên hợp.
Trước đó, tại các cuộc họp liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng nhiều lần nhấn mạnh rằng trên thực tế, nếu có đóng cửa bãi rác thì ở đây vẫn tồn tại điểm ô nhiễm môi trường. Đà Nẵng vẫn phải tiêu tốn ngân sách để duy trì các giải pháp kiềm chế ô nhiễm, đặc biệt là lãng phí đất đai, tài nguyên vì bãi rác có diện tích hơn 30ha, hạ tầng đã được đầu tư bài bản.
Về phương án triển khai bằng công nghệ đốt rác phát điện, lãnh đạo Sở TN-MT cho rằng đây là cách giải quyết vấn đề môi trường rất đáng chú ý và sau khi hoàn thành phương án đề xuất, sở sẽ báo cáo thành phố quyết định.
Theo Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, hiện chỉ còn hộc rác số 5 của bãi rác Khánh Sơn là còn khả năng tiếp nhận rác, nhưng đã ở cao trình khoảng 48m. Cao trình càng nâng lên thì mùi hôi thối càng ảnh hưởng trên phạm vi rộng.
Đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày bãi rác tiếp nhận gần 1.000 tấn rác thải và nếu không mở thêm hộc rác thì đến khoảng năm 2020 bãi rác sẽ đầy.
Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng hợp đồng với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tư vấn Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn.
ADB đã đề xuất chọn địa điểm xây dựng dự án tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, diện tích khoảng 119ha trong 20 năm với phương án công nghệ là đốt rác có phát điện.
Về tổng mức đầu tư, ADB tính toán cần đến 189 triệu USD. Dự án này được khởi động từ tháng 8/2017 nhưng đến nay vẫn gặp khó khăn do vướng nhiều quy định pháp luật về hình thức đầu tư.
Bình luận