• Zalo

Phận người ‘bới rác tìm cơm’ tại bãi rác lớn nhất Đà Nẵng

Thời sựChủ Nhật, 17/03/2019 17:00:00 +07:00Google News

Từ sáng đến tối, hàng trăm người cặm cụi trên những đống rác cao như núi, ruồi nhặng bu đen, mùi hôi nồng nặc ở bãi rác Khánh Sơn để “bới rác tìm cơm”.

Từ tinh mơ, vợ chồng bà Võ Thị Thông (trú tổ 41, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã có mặt tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam) để bắt đầu một ngày mưu sinh trong ngập ngụa mùi hôi, ruồi nhặng.

muu sinh 1 7

Vợ chồng bà Thông mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn đã 30 năm.  

Bà Thông nhẩm tính, đến nay vợ chồng bà đã gắn bó với bãi rác này ngót nghét 30 năm. Lịch trình của vợ chồng bà hằng ngày chỉ "xoay" từ nhà lên bãi rác và ngược lại.

Bà Thông cho biết, dù vất vả, độc hại nhưng nhờ bám trụ ở bãi rác này mà vợ chồng bà nuôi 4 người con trưởng thành, dựng được nhà cửa kiên cố.

“Không nhớ tôi theo nghề này lúc nào, chỉ biết là từ nhỏ đã cùng cha mẹ lên đây nhặt phế liệu rồi bám trụ đến nay. Bây giờ các con đã lập gia đình, cuộc sống ổn định, chúng nó bảo vợ chồng tôi nghỉ ngơi nhưng mình còn sức thì ráng làm”, bà Thông nói.

cao 8

Hàng trăm người cặm cụi bới tìm phế liệu trên những đống rác cao như núi. 

Cũng theo bà Thông, cố gắng thu gom, nhặt nhạnh phế liệu, mỗi ngày vợ chồng bà kiếm được 400 đến 500 nghìn đồng.

“Người ta khỏe, làm cả ngày thì thu nhập cao, vợ chồng tôi sức yếu nên làm được chừng nào hay chừng đó. Mình tích góp để sau này ốm đau có cái mà lo, đỡ phải phiền con cháu”, bà chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị E (trú Khánh Sơn) cũng mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn đã gần 20 năm nay. Chị cho biết, trước đây làm công nhân nhưng từ khi chồng bỏ theo người khác, chị đưa con gái về nhà bố mẹ ruột rồi lên bãi rác này nhặt phế liệu kiếm sống.

muu sinh 2 9

Chị E đưa phế liệu thu gọm được đến điểm tập kết.  

“Làm ở đây vất vả, độc hại nhưng mình quen rồi. Mỗi ngày cố gắng đào bới cũng kiếm được 300 đến 400 trăm nghìn đồng, đủ chi tiêu và cho con ăn học”, chị E nói.

Chị E cho biết, hàng chục năm làm lụng tích góp, bây giờ mẹ con chị đã xây được nhà kiên cố, mưa bão cũng yên tâm.

"Đất thì bố mẹ cho, tôi làm việc tích góp được mấy trăm triệu đồng xây nhà. Giờ mình cố gắng làm cho con nên cũng thấy ổn", chị E tâm sự.

muu sinh 3 3

Mưu sinh trên bãi rác nguy hiểm, độc hại nhưng trang bị bảo hộ của người dân chỉ là đôi ủng và khẩu trang. 

Có “thâm niên” 19 năm nhặt phế liệu tại bãi rác này, chị Thanh (trú tổ 70, Khánh Sơn) cho biết, bây giờ ngày nào mà không lên bãi là thấy... nhớ.

Chị Thanh bảo, chồng làm công nhân, thu nhập chẳng bao nhiêu nên chi phí cuộc sống gia đình và tiền học hành cho 2 con đều dựa vào chị.

“Cũng nhờ bãi rác này mà bây giờ vợ chồng tôi mua được đất, xây nhà, con cái được đi học. Mình chịu cực một chút để lo cho gia đình, tương lai con cái cũng thấy vui chú ạ”, chị Thanh nói.

muu sinh 6 4

Ông T. giờ đã là "ông chủ" của vựa thu mua phế liệu. 

Gắn bó với bãi rác duy nhất Đà Nẵng này mấy chục năm nhưng bây giờ ông T. đã là "ông chủ" của vựa thu mua phế liệu.

Ông T. cho biết, sau hơn 20 năm bám bãi rác, ông tích góp mua ô tô, mở tiệm thu mua phế liệu cho "đồng nghiệp". Bây giờ ông không cặm cụi đào rác nhặt phế liệu nữa mà đứng ra làm người thu mua về bán kiếm lời.

"Hằng ngày tôi chạy ô tô lên bãi rác thu mua phế liệu cho mọi người. Mấy mươi năm đào rác, giờ tôi vẫn gắn bó với bãi rác này nhưng đỡ vất vả hơn trước. Người ta nói đời chúng tôi là đời rác cũng vì lẽ đó", ông T. nói.

muu sinh 9 5

Nhọc nhằn mưu sinh trên bãi rác duy nhất Đà Nẵng. 

Hiện, bãi rác này có khoảng 300 người đang mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu. Trong đó đa phần là người dân Đà Sơn, Khánh Sơn, một phần ở Thanh Khê, Hòa Vang, còn một số tận Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam.

Hàng trăm con người là hàng trăm số phận, cảnh đời khác nhau nhưng họ có điểm chung là xuất thân nghèo khó, chọn bãi rác này làm bến mưu sinh. Ai cũng bảo, "rác ở đâu thì chúng tôi ở đó".

Lãnh đạo Xí nghiệp xử lý rác Khánh Sơn cho biết, vì đây là bãi rác duy nhất ở Đà Nẵng nên hằng ngày tất cả rác thải của thành phố đều được thu gom về đây để xử lý. Hiện tại hộc rác số 5 còn khả năng tiếp nhận rác đã ở cao trình khoảng 48m và dự kiến sẽ lên mức 52m. Cao trình càng nâng lên thì mùi hôi thối càng lan xa ra khu dân cư.

Theo Công ty cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng, hiện mỗi ngày bãi rác tiếp nhận xấp xỉ 1.000 tấn rác thải. Nếu Đà Nẵng không mở thêm hộc rác số 6 thì đến khoảng năm 2020 bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn