Nếu tính cả 18 hòn đá đã bị gài mìn nổ tung để làm đường xuyên qua bãi đá, thì tổng cộng bãi đá cổ Sapa có 216 hòn đá có hình vẽ. Đây chính là số hào Dương trong 64 quẻ Dịch. Theo ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, từ số lượng hòn đá, ông đã nghĩ ngay đến chuyện bãi đá cổ Sapa ẩn chứa những bí ẩn của Kinh Dịch.
Phần lớn các nhà khoa học cho rằng, bãi đá cổ Sapa được hình thành bởi các tộc người khác nhau qua nhiều giai đoạn thời gian và họ căn cứ vào sự định cư của tộc người Tày và người Mông ở đây trong thời gian 300 đến 900 năm trở về trước để tính thời gian ra đời của hình khắc.
Như vậy, những hình khắc này là của các dân cư của hai dân tộc này. Do đó, những hình vẽ cũng biểu đạt những vấn đề đơn giản liên quan đến cuộc sống như nhà cửa, ruộng vườn, tục cúng bái…
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cực lực phản đối điều đó. Không thể có chuyện các cư dân trong vùng khắc chơi lên những tảng đá này. Nếu cư dân ở đây có ham thú khắc chơi lên đá, thì những vùng khác ở Lào Cai, ở các tỉnh khác cũng phải rất phổ biến hình khắc trên đá. Nhưng sự thực là hình khắc trên đá ở nước ta vô cùng hiếm.
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã nghiên cứu rất kỹ các hình khắc trên bãi đá cổ Sapa và ông khẳng định rằng, hầu hết những hình khắc trên bãi đá đều có những hình tượng độc đáo lý giải sự khởi nguyên và tính tuần hoàn của vũ trụ, chứ không phải là những hình khắc nhăng cuội.
Ông Tuấn Anh đặc biệt chú ý đến một hòn có hình vẽ như sau:
Hình khắc này là trẻ con vẽ chơi hay mô tả sự khởi nguyên của vũ trụ? |
Đã có nhiều nhà nghiên cứu say mê giải mã hình khắc này theo cách khác nhau. Đáng chú ý là sự lý giải của ông Phạm Ngọc Liễn. Điều đặc biệt là nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, toàn bộ bãi đá cổ Sapa là những kiến thức về vũ trụ có liên quan đến Kinh Dịch.
Xin trích một đoạn giải mã hình vẽ trên của ông Liễn:
Nổi bật trên bức chạm đá là hình mặt trời. Trái đất bố cục ở hai phía Đông và Tây, nhưng hơi chếch nhau. Phải chăng là sự diễn tả cao thấp khác nhau của các hành tinh theo sự nhận biết của con người lúc đó?
Bao quanh trời đất là hai dải các hình song song không khép kín; bên trái gồm ba dải song song không đều nhau, chạy dài liên tục bắt đầu từ Tây Bắc chạy xuống sát gần trái đất rồi hơi uốn lượn về phía Đông Nam.
Dập bản khắc trên bãi đá cổ Sapa. |
Bên phải cũng là ba dải song song bắt đầu từ giữa hình khắc, rồi uốn vòng lên theo xích đạo trái đất, uốn vòng lên theo hướng Đông Bắc, bao lấy mặt trời ở phía Đông. Nửa trên của các dải này chỉ còn hai dải song song kéo dài liên tục lên Đông Bắc kết thúc ở điểm cao ngang với mặt trời và ba dải ở phía Tây Bắc.
Dải thứ 3 ở ngoài cùng bên Đông chỉ có một đoạn vòng cung đến ngang tầm điểm cực Bắc của trái đất thì kết thúc. Dải này có 3 đoạn dài ngắn không đồng đều, đoạn ngắn nhất ở khoảng giữa có hai vạch đứt ở hai đầu.
Sách Dịch cổ cho ba dải bao quanh hình vẽ là Nội Quái, tượng trưng cho các lớp vỏ trái đất, còn ba dải còn lại là Ngoại Quái tượng trưng cho các giải sông Ngân Hà…
Vẽ bậy lên hòn đá cổ. |
Nhà nghiên cứu Dịch học Hống Quang cho đây là lục quyển bao gồm: vũ quyển (nói về thời kỳ hỗn mang chưa có hình dáng cụ thể ban đầu), khí quyển, tầm quyển, sinh quyển, trí quyển, linh quyển, thuộc về giai đoạn vũ trụ đã định hình từ trạng thái hỗn mang vô cực đã thành thái cực….
Nhận thức của nhân loại đến thời Trung cổ, mới cách chúng ta khoảng 400 trăm năm mà còn tranh cãi quyết liệt nhức nhối về các vấn đề liên quan đến tri thức thiên văn, thế mà, từ mấy ngàn năm trước, tổ tiên ta đã chạm khắc “mô hình vũ trụ” vào đá cổ Sapa, khẳng định cả mặt trời và trái đất đều là khối cầu tròn và đang quay.
Chiều quay của trái đất từ Tây sang Đông ngược chiều kim đồng hồ, đúng như chiều quay của các hình đúc trên mặt trống đồng cổ của dân tộc. Sự chuyển động được biểu hiện bằng hình xoáy ốc từ tâm ra ngoài thật độc đáo. Đó là biểu trưng sức mạnh nội tâm của tinh cầu, không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Ở vòng xoáy ốc ngoài cùng nẩy lên một nhánh cây. Phải chăng đây là biểu hiện của sự sống, của sinh quyển? Nhánh cây này có hai chòm lá ngả về phía Đông là phía mùa xuân. Như vậy quá đúng với triết lý Âm Dương Ngũ Hành của các vị kỳ lão hiền triết Phục Hy, Thần Nông thời thượng cổ.
Du khách khắc hình nhà thờ đá lên hòn đá cổ. |
Vòng xoay của mặt trời cũng do nội lực xoáy ốc từ trong ra ngoài, ngược hướng với chiều quay của trái đất từ Đông sang Tây. Một chi tiết cần được chú ý là tổ tiên ta mô tả mặt trời và trái đất đường kính gần ngang nhau, như một “cặp sao đôi”. Đây là ngẫu nhiên hay có chủ định từ trước? Từ nguồn trí thức linh giác nào mà ông cha ta khắc như vậy? Điều này rất đáng được suy nghĩ.
Bên cạnh trái đất tròn còn có một hình vuông nhỏ. Đây không lặp lại sai lầm của Hoa tộc thời cổ là “trời tròn đất vuông”. Ở đây hình vuông đặt cạnh đất tròn thì làm sao nói chệch đi là trời tròn cho được?
Phải thấy ở đây người nghệ nhân vô danh đã nắm Kinh Dịch rất vững và đã chuyển hình chạm khắc sang một đề tài mới: “Mẹ tròn con vuông”.
Theo luận thuyết Âm Dương, đất thuộc về âm, về người mẹ, còn trời thuộc về dương, về người cha. Thành ngữ tiếng Việt nói cha trời, mẹ đất chính là vì vậy.
Trong hình khắc, mảnh vuông nhỏ đặt cạnh mẹ đất phải hiểu là “Mẹ tròn con vuông”, một thành ngữ nói lên sự mong mỏi, coi như lời chúc tụng đối với các bà mẹ bước vào kỳ sinh nở phải được “vuông tròn” nghĩa là thuận lợi, không gặp rủi ro trắc trở khi vượt cạn một mình. Ý nghĩa nhân văn ở đây quá rõ, nó hoàn toàn khác với quan điểm tĩnh tại “Trời tròn đất vuông” của người Trung Hoa cổ đại.
Theo ông Phạm Ngọc Liễn, trí tuệ của bức vẽ này còn ẩn sâu nhiều điều hơn nữa. Theo ông, có thể gọi bức chạm khắc này là pho sách khá hoàn chỉnh mô tả khởi nguyên của vũ trụ mà có thể đặt cho nó cái tên là: Mô hình vũ trụ.
Điều đặt biệt là cả mảng giữa của hình khắc dành cho con người. Tư tưởng chủ đạo ở đây là sự thể hiện rất rõ “luận điểm tam tài” của Kinh Dịch.
Dưới ký hiệu quẻ Càn gồm ba vạch liền xếp chồng chéo lên nhau đặt hơi chếch về hướng Tây Nam – Đông Bắc là hai hình người một nữ một nam được thể hiện bằng hình song song mang tính ước lệ nhiều hơn tả thực.
Người nữ đứng hai chân dang rộng phía trên giải ngoại quái, bộ phận sinh dục khuyếch đại rất rõ. Tư thế chếch theo hướng Đông Bắc – Đông Nam, đầu nhô gần sát vạch giữa quẻ Càn. Tay phải cầm một khí cụ dài giơ thẳng chếch ở khoảng trống giữa mặt trời và ký hiệu quẻ Càn.
Người nam đứng ở trên giải Nội quái, song từ phần ngang hông trở xuống không được thể hiện. Bộ phận sinh dục cũng phóng to hơn bình thường.
Phía trên đầu người nam là ký hiệu quẻ Sơn Địa Bác gồm quẻ Chấn chồng lên quẻ Khôn, đặt xoay dọc giữa quẻ Ngoại Quái và hình vuông nhỏ. Ký hiệu cuối cùng đặt ở dưới vòng cung Ngoại Quái, phía bên hông gần đoạn ngắn ở giữa nối với hai đoạn dài hai bên là ký hiệu phồn thực.
Trên đây chỉ là một trong số rất ít những lý giải về hình vẽ trên bãi đá cổ Sapa và cũng không được chú ý lắm. Phần nhiều người ta nghiên cứu theo hướng, đây là những hình khắc thông thường, thậm chí… lăng nhăng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông Phạm Ngọc Liễn đã lý giải đúng hướng, nhưng với hình vẽ trên thì nội dung của nó còn sâu sắc hơn nhiều sự kiến giải của ông Liễn.
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh ở Sapa 14 năm trước. Ảnh: Tuấn Anh. |
Theo ông, toàn bộ bức khắc thể hiện cội nguồn của Kinh Dịch và những giá trị đích thực của nó. Lần lượt những ký hiệu được đánh số trên hình được ông giải mã và bổ sung theo thứ tự dưới đây:
Hình 1: Người đàn ông biểu tượng của tính thuần dương ở giai đoạn khởi nguyên của vũ trụ.
Hình 2: Trong Kinh Dịch quái Càn thuộc dương, ba vạch dài biểu tượng tính thuần dương không có giới hạn (vô lượng vô biên). Hay nói cách khác: Đây chính là tình trạng của thái cực.
Hình 3: Tính động xuất hiện tạo vòng xoáy ngược chiều kim đồng hồ. Đây cũng là chiều vận động của các thiên hà hiện nay (trong đó bao gồm cả các sao và hành tinh). Chữ Vạn có chiều ngược chính là biểu tượng của tính động xuất hiện ở giai đoạn đầu của vũ trụ.
Ông Tuấn Anh đánh dấu vào bản dập hình khắc để mô tả. |
Hình 4: Hình vuông bên cạnh vòng xoáy cho biết khi tính động xuất hiện tức là sinh âm, đối lại với trạng thái tĩnh khởi nguyên (mẹ tròn con vuông).
Hình 5: Khi âm xuất hiện thì sự vận động và phát triển tiến hóa trong vũ trụ bắt đầu. Điều này được hình tượng bằng một cái cây tiếp nối từ sự vận động của vòng xoáy.
Hình 6: Vòng xoáy thuận chiều kim đồng hồ là biểu tượng cho thấy sự tương tác của vũ trụ theo chiều ngược với chiều vận động của các thiên thể.
Chữ Vạn có chiều thuận chính là biểu tượng của chiều tương tác vũ trụ (Qua các di vật khảo cổ có niên đại xấp xỉ 10.000 năm cho thấy chữ “Vạn” đã tồn tại rất lâu trong văn minh nhân loại).
Hình 7: Sự chuyển hóa từ dương sang âm được biểu tượng bằng người đàn bà.
Hình 8: Khi âm cực thịnh thì sinh dương được biểu tượng bằng quái Càn trên đầu người đàn bà.
Hình 9: Hình này theo ông Liễn là quẻ Sơn Địa Bác. Nhưng nhà khoa học Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho đây là quẻ Địa Lôi Phục. Nếu lật 90 độ theo chiều ngược kim đồng hồ là chiều vận động của các thiên thể trong vũ trụ. Theo Kinh Dịch thì ý nghĩa của quẻ này là "Sự trở lại". Như vậy với hình tượng của quẻ Địa Lôi Phục cho thấy vũ trụ vận động tới cực điểm sẽ là sự quay trở về.
Những chiếc cọc bêtông không bảo vệ được những hòn đá cổ trước sự vô ý thức của con người. |
Như vậy, toàn bộ bức họa trên đá này nói về nguyên lý của sự vận động vĩ mô từ khởi nguyên cho đến kết thúc và có tính chu kỳ của vũ trụ.
Với sự kiến giải này, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh khẳng định nội dung bức chạm khắc của người Lạc Việt trên bãi đá cổ Sapa đã chứng tỏ nguyên lý vũ trụ đã được phát hiện từ lâu và thuộc về nền văn minh này. Kinh Dịch thuộc về nền văn minh Lạc Việt với những ký hiệu quẻ trùng khớp với ý nghĩa của bức tranh.
Với nội dung trên của bức khắc chúng ta sẽ không thể tìm thấy trong các cổ thư chữ Hán. Điều này cũng chứng tỏ tên gọi đích thực của cuốn kỳ thư Đông phương này phải là: “Lạc thư chu dịch”. Tức là sách của người Lạc Việt nói về sự vận động tuần hoàn của vũ trụ!
Còn tiếp…
Trần Bình Thủy
Bình luận