Chẳng biết từ đâu mà tại nghị trường Quốc hội những nhiệm kỳ trước đây lại xuất hiện câu “thành ngữ”: Nhất Thước - Nhì Trân - Tam Lân - Tứ Quốc (ĐB Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, và ĐB Dương Trung Quốc).
Đây là những người châm ngòi, xốc dậy và hâm nóng hội trường nhất là ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X
Trong những ngày cuối năm giáp Tết, phóng viên có cuộc trò chuyện với vị Trung tướng nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X về những kỷ niệm ở chốn Nghị trường lúc ông đang còn là ĐBQH.
Một đại biểu Quốc hội như Tướng Thước luôn là người châm ngòi cho những phiên chất vấn quyết liệt nhưng chân thành, thẳng thắn. Với ông, ăn cơm của dân, mặc áo của dân mà không làm hết trách nhiệm với dân tức là... ăn gian, ăn quỵt.
Và trong kỳ họp Quốc hội khóa 8, khoảng thời gian bắt đầu thời kỳ đổi mới từ 1987 – 1992, Tướng Thước đã nói những lời có lẽ từ xưa đến nay chưa ai dám nói với nguyên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Đỗ Mười.
Lần đó, ông Đỗ Mười có than phiền về tình trạng trên bảo dưới không nghe: “Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà nói có Bộ trưởng không nghe”, tướng Thước đã đứng lên: “Thưa anh Mười, tôi làm Tư lệnh quân khu, tôi nói mà các Sư trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Một là tôi nghỉ, hai là đồng chí ấy phải nghỉ. Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể cách chức được các sư trưởng, thì tôi sẽ xin từ chức chứ như thế thì cả hai không thể làm việc với nhau. Anh nên cách chức Bộ trưởng không nghe đó, nếu không cách chức được thì anh nên từ chức đi...”.
Sau khi cuộc họp kết thúc, PV của VTV - Trần Bình Minh (bây giờ là Tổng GĐ Đài Truyền hình Việt Nam) đã ra chỗ Tướng Thước nói rằng, “Bác ơi, bác phát biểu thế thì bác nguy đến nơi rồi”.
Khi nghe PV Trần Bình Minh kêu vậy, Tướng Thước rất bình thản, ông cười: “Cháu cứ yên tâm, nguy làm sao được mà nguy”.
Bởi theo ông, đồng chí Đỗ Mười là người rất hiểu cấp dưới như thế nào. Trong cuộc họp hay tại nghị trường, đôi khi giữa cấp trên và cấp dưới có thể tranh luận, chất vấn rất thẳng thắn với nhau về một vấn đề, chính sách nào đó của đất nước. Tất cả cũng chỉ mong tìm ra hướng đi đúng đắn, có lợi cho dân, cho nước. Xong việc, ra ngoài cơ quan thì anh là anh, em lại là em.
“Sau đấy ông Mười lại ra vỗ vai tôi cười hề hề, chả có gì cả”, tướng Thước nhớ lại.
Hơn nữa, ngày ấy đất nước cũng mới thoát khỏi chiến tranh. Trong bộ máy Nhà nước, cấp trên, cấp dưới trước đều là anh em, đồng đội. Đế quốc Mỹ hùng mạnh như vậy mà còn không sợ, cả nước cùng đoàn kết đánh thắng. Giờ chẳng lẽ thời bình rồi, vì dân vì nước “anh em” lại xét nét với nhau “chuyện nhỏ” đó hay sao.
Ông vẫn coi lời nói với ông Đỗ Mười ngày đó là “chuyện nhỏ”. Nhưng cũng vì những phát biểu “đụng chạm” của mình nên nhiều người bảo “sao ông này nói nhiều thế”. Tướng Thước cho rằng, mọi người khi đó hạn chế phát biểu những vấn đề “nhạy cảm” bởi đất nước mới chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, tư tưởng “quan liêu” vẫn còn dấu ấn trong từng cá nhân, đặc biệt là cán bộ.
Cũng theo Tướng Thươc kể, chuyện ông nói với nguyên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười nên từ chức nếu bảo mà cấp dưới không nghe không được báo chí thông tin. Tuy nhiên xem lại nhật ký Quốc hội thì đều ghi chép rất đầy đủ.
Ông Thước đã “không gặp vấn đề gì” vì những lời nói khó nghe ấy đã được ông Đỗ Mười lắng nghe trọn vẹn. Hơn nữa, những lời nói đó xuất phát một cách chí công vô tư, từ gan ruột chứ không vì mưu cầu lợi ích cá nhân. Sự quyết liệt và tấm lòng của Tướng Thước cũng đã giúp ông trở thành một đại biểu Quốc hội được nhân dân và báo chí kính phục.
Bình luận