Ngày 30/10, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho hay, các y bác sĩ thuộc bệnh viện này vừa phẫu thuật cho một bệnh nhi 7 tuổi bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp có hốc mắt giãn xa khác thường. Được biết, bệnh nhân này là con của một quân nhân đang công tác tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Để phẫu thuật dị tật hốc mắt cho bệnh nhi kể trên, các y bác sĩ thuộc Bệnh viện Trung ương Huế phải tiến hành cưa các xương vùng sọ não, xương hai hốc mắt, xương hàm trên, lấy bỏ đoạn xương trán và mũi. Sau đó, đưa hai hốc mắt gần lại với nhau như vị trí của người bình thường.
Cuối cùng, các nẹp vít nhỏ đặc biệt được các bác sĩ dùng để cố định lại các xương vùng sọ và hàm mặt. Cuộc phẫu thuật thành công và kết thúc sau 7 giờ làm việc miệt mài và chăm chú của các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế. Được biết, sau khi phẫu thuật khoảng 1 tuần thì bệnh nhi có thể ngồi dậy và ăn uống bình thường. Việc điều trị thành công cho ca dị tật hiếm gặp này mở ra hi vọng cho các bệnh nhân gặp dị tật tương tự trong thời gian tới.
Theo TS. Bác sĩ Lê Thừa Trung Hậu, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ - Bàn tay thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, phẫu thuật điều trị dị tật hốc mắt rất khó, đòi hỏi độ chính xác cao và sự phối hợp nhiều chuyên khoa. Để tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ thuộc khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Bàn tay thuộc Bệnh viện Trung ương Huế kết hợp với khoa Ngoại Thần kinh và khoa Gây mê Hồi sức, cùng hỗ trợ chuyên môn của các giáo sư đến từ Đại học Y Stanford (Mỹ).
Video: Nghe bác sĩ kể chuyện 'chiến đấu' suốt 3 tuần cứu sống bé trai bị sốt xuất huyết
Bình luận